YBĐT – Doanh nghiệp, công ty, nhà máy chế biến nông – lâm sản thiếu nguyên liệu cho sản xuất, người làm ra nguyên liệu lại không biết bán cho ai và giá cả thấp là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Thoạt nghe tưởng như vô lý, nhưng khi đã thấu hiểu sự tình lại thấy có lý. Bởi lẽ doanh nghiệp chế biến không có vùng nguyên liệu của riêng mình, người có nguyên liệu (chủ yếu là hộ cá thể) lại không có nhà máy, nhưng cả hai bên không chịu kết duyên với nhau.
Công ty cổ phần Yên Thành chuyên sản xuất, chế biến nông – lâm nghiệp được thành lập từ năm 2005 đến nay hoạt động khá hiệu quả. Nhất là trong chế biến măng tre Bát Độ, sản phẩm của Công ty sản xuất ra chủ yếu là xuất khẩu, đạt giá trị kinh tế cao và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ vậy, 80 cán bộ, công nhân có việc làm và thu nhập ổn định, hàng năm đóng góp khá lớn vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do không chủ động được nguồn nguyên liệu dẫn đến cứ vào vụ chế biến Công ty lại chạy đôn, chạy đáo lo nguyên liệu mà vẫn không đủ.
Tương tự, Công ty Thương mại và Đầu tư Yên Bình có Nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhưng không có vùng sản xuất nguyên liệu mà chủ yếu thu mua của nhân dân trong vùng. Bước vào mùa vụ sản xuất 2010, thị trường tốt, Công ty lại vừa đầu tư trên 50 tỷ đồng lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, nhưng Nhà máy đang lo ngay ngáy bởi không đủ nguyên liệu cho sản xuất. Đó chỉ là hai trong rất nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến nông – lâm nghiệp thường xuyên rơi vào cảnh “đói” nguyên liệu”, không chủ động được nguyên liệu dẫn tới lãng phí đầu tư, ảnh hưởng lớn về kinh tế.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do huyện Yên Bình tổ chức ngày 10/11/2010, hầu hết các doanh nghiệp đều kiến nghị huyện, tỉnh dành cho doanh nghiệp một quỹ đất để phát triển vùng nguyên liệu. Những kiến nghị của doanh nghiệp là đúng, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh thu hút đầu tư như hiện nay. Tuy nhiên, việc dành quỹ đất cho xây dụng vùng nguyên liệu đối với các doanh nghiệp chế biến nông – lâm sản là điều không thể. Bởi vùng nguyên liệu cho chế biến nông sản, nhất là sắn, măng tre Bát Độ, chè là rất lớn phải hàng trăm ha, thậm chí cả ngàn ha mới thoả mãn yêu cầu này. Trong khi quỹ đất để phát triển vùng nguyên liệu là gần như không còn, đất đã cơ bản giao cho các hộ nông dân quản lý, phát triển sản xuất ổn định từ nhiều năm nay. Do đó để giải bài toán nguyên liệu cho nhà máy có hai vấn đề:
Một là, các ngành chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành rà soát và quy hoạch thành vùng sản xuất đáp ứng cho chế biến.
Hai là, dựa trên cơ sở quy hoạch, doanh nghiệp, công ty phải liên doanh, liên kết với người nông dân tạo vùng nguyên liệu ổn định.
Vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp và người nông dân phải liên doanh, liên kết theo hướng bình đẳng và có sự ràng buộc bằng các hợp đồng kinh tế theo luật và làm sao để đôi bên cùng có lợi. Đây không phải là bài toán mới mà nó đã được rất nhiều doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn thực hiện nhưng chưa hiệu quả. Lúc thì doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng, khi thì người nông dân, bởi hợp đồng không có sự ràng buộc mà chỉ làm cho vui, làm lấy lệ.
Doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng người dân không mặn mà, hợp đồng không có giá sàn, hoặc có nhưng lại thấp hơn giá thị trường rất nhiều, khi giá lên doanh nghiệp không nâng giá thu mua, khi giá thấp, không có thị trường doanh nghiệp không mua cho dân, từ đó dẫn tới hợp đồng thường xuyên bị phá bởi đôi bên. Do vậy, khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng với người dân vùng nguyên liệu cần phải có sự giám sát của pháp luật, bên nào phá vỡ hợp đồng bên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường theo pháp luật. Đó là con đường duy nhất cho phát triển ổn định của doanh nghiệp, cũng như người dân sản xuất nguyên liệu cho chế biến.
Thanh Phúc