YBĐT – Cuộc khủng hoảng kinh tế đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng đến nền kinh tế nước ta, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phải chịu những hậu quả nặng nề nhất.
Là một tỉnh miền núi, nằm sâu trong nội địa, xuất phát điểm thấp, phần lớn doanh nghiệp Yên Bái có quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đứng vững trên thị trường…
Sức đề kháng yếu lại phải chịu những trận “cuồng phong” của “cơn bão” tài chính thế giới, các doanh nghiệp Yên Bái càng khó khăn hơn. Con số 1.624 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 7 tháng đầu năm, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước theo báo cáo của ngành công thương đưa ra không làm những chuyên gia kinh tế vui vì con số đó mới chỉ bằng 46,5% kế hoạch năm và nếu muốn hoàn thành, mỗi tháng sản xuất công nghiệp phải đạt giá trị 400 tỷ đồng nữa.
Mặt khác, giá trị sản xuất công nghiệp tăng còn là bởi giá bán sản phẩm tăng do phải “cõng” khoản lãi ngân hàng, “gánh” khoản giá cả vật tư đầu vào, giá điện tăng… Như thế để thấy, tỷ lệ tăng 20,6% đã kém ý nghĩa đi rất nhiều vì giá trị sản xuất tăng mà số lượng hàng hóa làm ra không tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp không đáng kể!
Làm kinh doanh ai cũng biết, vốn, nguyên, nhiên liệu đầu vào và thị trường là những vấn đề sống còn của sản xuất, vậy mà cả 3 vấn đề ấy doanh nghiệp đều khó khăn. Về vốn, lãi suất đang ở mức trên dưới 20% năm – mức lãi suất mà rất, rất nhiều giám đốc doanh nghiệp phải kêu lên “cố làm cho đủ lãi ngân hàng!”. Cao nhưng vay vẫn khó vì ngân hàng thương mại chỉ tập trung thu lãi và gốc, khách hàng là các doanh nghiệp nộp tiền vào thì dễ khi muốn vay lại rất khó, kể cả những doanh nghiệp có quan hệ tín dụng tốt. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giảm đáng kể, nhiều khả năng không đạt tỷ lệ tăng dưới 20% như kế hoạch đề ra là những dẫn chứng rất cụ thể cho vấn đề này.
Về nguyên, nhiên liệu đầu vào, giá cả vật tư đầu vào tăng mạnh từ mấy năm qua, trong đó phải kể tới giá điện, than, xăng dầu, nhân công… cộng với khoản lãi suất đã đẩy giá thành sản phẩm lên rất cao. Quy luật “Nước nổi, thuyền lên” giờ không thể áp dụng đầy đủ bới nếu giá bán sản phẩm tăng quá cao khách hàng sẽ không chấp nhận (hàng sẽ ế) hoặc ít chấp nhận (tiêu thụ chậm). Lạm phát cao cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu công khiến sức mua giảm là khó khăn chung. Riêng Yên Bái còn chịu thêm việc những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, có giá trị cao mà sản phẩm làm ra lại khá nhạy cảm với đầu tư công như gạch xây, xi măng…
Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp đã và đang cơ cấu lại công nợ, tổ chức lại sản xuất; tạm dừng những dự án mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, coi đây là dịp để tổ chức lại sản xuất. Doanh nghiệp khác thì cố gắng duy trì sản xuất để giữ công nhân, giữ bạn hàng, trả được lãi vay… Bằng không thì phải đóng cửa nhà xưởng, cho công nhân nghỉ việc, nhìn món vay ngày càng phình to và máy móc thiết bị ngày càng hư hỏng.
Những ngày qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có giải pháp áp dụng các chính sách tài chính, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trong lúc chờ đợi những chính sách chung từ phía Nhà nước, chúng ta cũng cần phải có những chính sách riêng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho nông dân như chế biến chè, gỗ, sắn… Phủ một phần lãi suất; giãn, hoãn, miễn giảm một phần thuế, có thể là không lớn nhưng cũng là nguồn động viên, kích thích doanh nghiệp. Nó giống như những liều thuốc bổ cho những cơ thể gầy yếu, chịu nhiều bệnh tật vươn lên.
Lê Phiên