YBĐT – Nhiều nhà máy chế biến chè thiếu nguyên liệu trầm trọng, sản lượng chè khô chế biến có nơi chỉ bằng 30% cùng kỳ niên vụ trước.
Một số giám đốc doanh nghiệp chè giải thích là do mất cân bằng giữa năng lực nguyên liệu và công suất chế biến, thời tiết nắng nóng kéo dài, nông dân dùng máy hái chè khiến chè chậm ra búp… Những ngày cuối niên vụ, sản lượng chè búp tươi đưa vào chế biến ở một số cơ sở, nhà máy bỗng tăng vọt, gấp 4 – 5 ngày thường. Ví như Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh có lúc thu mua chỉ 4-5 tấn/ngày nhưng có thời điểm chè búp tươi dồn về ngót 20 tấn/ngày khiến 3 nhà máy chế biến làm không xuể.
Bấy giờ, lại có ý kiến cho rằng sản lượng chè búp tươi tăng vọt lên là vì nông dân dùng máy hái chè nên năng suất, sản lượng thu hái tăng cao. Sự ồn ào xung quanh chiếc máy hái chè khiến nhiều người nhìn nông cụ này như một sự phá hoại vùng nguyên liệu. Người ta chỉ ra rằng: hái chè bằng máy thì không còn trật lứa, máy đốn tới tận cẫng nâu của búp chè nên thu hái từ 3-4 đợt/tháng trước kia nay chỉ còn 1 lần/tháng. Rồi nguyên liệu không bảo đảm chất lượng vì cẫng quá nhiều, cây chè thì thui chột giảm năng suất…
Việc nông dân đầu tư máy hái chè là nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí nhân công. Một chiếc máy hái chè có trị giá từ 7 – 15 triệu đồng, năng suất lao động bằng năng suất của 15 -20 người thu hái. Chuyện có thật là nông dân vùng chè khi chính vụ phải thuê người hái chè với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/người/ngày. Dùng máy hái chè, nông dân thích thú vì giảm tốt đa chi phí lao động. Công ty cổ phần Chè Liên Sơn niên vụ 2008 – 2009 đã hỗ trợ nông dân trong vùng nguyên liệu mua máy hái chè của Trung Quốc, Nhật Bản để thu hái – một chủ trương đúng được bà con hoan nghênh, đó có thể coi là minh chứng sinh động góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Việc nông dân đầu tư hoặc được hỗ trợ mua máy hái chè là đúng đắn, vấn đề ở đây là họ chưa được hỗ trợ kịp thời về kiến thức và phương pháp sử dụng nông cụ cho phù hợp. Ở những nơi có sự quan tâm của doanh nghiệp (như Công ty cổ phần Chè Liên Sơn) thì bà con sử dụng rất hợp lý, chiếc máy hái do vậy không sinh chuyện với cây chè nhưng những nơi như vậy hiện rất ít, phổ biến là nông dân tự đầu tư, tự sử dụng tuỳ thích. Từ chiếc máy hái chè đã tòi ra chuyện cây chè của nông dân.
Chiếc máy hái chè phát huy tác dụng tích cực khi cây chè được chăm sóc tốt, nông dân tuân thủ quy trình thu hái. Thực tế, bên cạnh một số vùng nguyên liệu thâm canh của các công ty chè Liên Sơn, Nghĩa Lộ, Trần Phú, Văn Hưng thì vùng chè nguyên liệu của dân chất lượng rất thấp, năng suất bình quân chỉ 4-5 tấn/ha. Vô cùng tai hại khi ngay đầu vụ xuân, nhiều hộ nông dân ở Văn Chấn, Yên Bình đã đưa máy hái lên đồi và hái như đốn chè. Hậu quả là chè không tạo tán, giảm năng suất nghiêm trọng.
Lỗi không thể tại chiếc máy, lỗi ở đây thuộc về con người. Chuyện chiếc máy hái chè, một lần nữa cho thấy còn nhiều việc phải làm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tuấn Anh