YênBái – YBĐT – Năm học 2006 – 2007, ngành giáo dục – đào tạo Yên Bái cùng với các địa phương trong cả nước thực hiện cuộc vận động ” Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo phát động. Đây là cơ sở để ngành giáo dục – đào tạo đánh giá thực chất “sản phẩm” 12 năm của mình làm ra.
Qua một năm thực hiện cuộc vận động “Hai không” ở Yên Bái cho thấy, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh còn rất yếu. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần 1 vừa qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp khối THPT chỉ đạt 27,03%, bổ túc THPT đạt 13,38%.
Kiểm tra chất lượng cuối năm của các bậc học, học sinh xếp loại học lực yếu, kém khá cao: bậc tiểu học 7,5%, THCS 11,18%, THPT là 26,93%. So với năm học trước, tỷ lệ học sinh yếu, kém khối THPT tăng 17,3%. Trên thực tế, chất lượng giáo dục ở Yên Bái hiện nay, nhất là các huyện, các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn có thể thấp hơn so với đánh giá của ngành giáo dục- đào tạo Yên Bái trong năm học 2006- 2007! Bởi đây là năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “Hai không” nên tâm lý chung ở nhiều trường còn vừa thực hiện vừa “nghe ngóng xem sao”, nếu trường mình, cá nhân mình làm nghiêm quá thì sợ áp lực hoặc đánh giá trung thực quá thì bao nhiêu công sức của thầy và nhà trường bấy lâu nay sẽ trở về số không!.
Chất lượng giáo dục thấp có rất nhiều nguyên nhân! Tại buổi làm việc mới đây của Thường trực Tỉnh uỷ Yên Bái với Sở Giáo dục – Đào tạo, các thầy giáo là hiệu trưởng, hiệu phó các trường THPT và lãnh đạo các phòng giáo dục trong tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề này.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng giáo dục thấp là do cơ sở vật chất của chúng ta chưa được đầu tư đồng bộ, (điều này chưa chính đáng mà chỉ là một nguyên nhân nhỏ thôi. Vì hàng chục năm trước cơ sở vật chất nhà trường còn thua kém gấp nhiều lần bây giờ, nhưng chất lượng hơn hẳn, học sinh không học vẹt như bây giờ, quay cóp không phổ biến như bây giờ…); nhiều giáo viên, nhà trường còn mắc bệnh thành tích; thầy giáo chưa nhiệt tình trong giảng dạy, nhiều thầy giáo trình độ còn bất cập; sự phối hợp trong giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; do tư tưởng của một số vị lãnh đạo trước ở một số địa phương cũng mắc căn “bệnh thành tích”…
Tuy nhiên nghe ra thì tất cả những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục thấp chủ yếu là nguyên nhân khách quan (do lịch sử để lại), còn nguyên nhân chủ quan lại ít được bàn tới. Trước hết các thầy giáo, các nhà trường không thể đổ lỗi cho ai mà lỗi của cả một hệ thống giáo dục từ tiểu học đến THPT, bởi chất lượng giáo dục sau 12 năm của học sinh là “sản phẩm” của ngành giáo dục làm ra chứ không của ai khác!
Chính vì căn bệnh nể nang, “bệnh thành tích” ở giáo viên và nhà trường, gia đình và xã hội đã “giúp” cho nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp” từ bậc tiểu học đến THPT. Cứ “ngồi nhầm lớp” luân phiên như vậy dẫn đến đầu ra cuối bậc học phổ thông tất yếu có kết cục như vậy. C
hất lượng giáo dục thấp một phần được minh chứng qua kết quả thi lần 1 với những điểm thi ngoài sức tưởng tượng. Khối THPT: môn Toán có gần 500 điểm 0, môn Văn có 10 điểm 0, môn Lịch sử có 116 điểm 0. Khối bổ túc THPT: môn Toán có 173 điểm 0, môn Văn có 32 điểm 0, môn Lịch sử có 42 điểm 0…
Một nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục thấp nữa là vẫn còn nhiều phụ huynh cũng đang mắc ” căn bệnh” thành tích, nên ngay từ bậc học mầm non, tiểu học, trong đầu của các em còn trắng như tờ giấy thì đã bị nhồi nhét tư tưởng “học hộ cha mẹ” (con không đạt được kết quả như vậy, nhưng cha mẹ tìm mọi cách xin thầy để đạt được).
Nhiều bậc phụ huynh còn nuông chiều con tới mức thái quá, muốn cho con “sành điệu” như cho con tiền nhuộm tóc xanh, đỏ, tím, vàng, đi xe máy, hưởng thụ các “ngón” ăn chơi “người lớn”…
Thậm chí, con đi học cấp 3 mà cha mẹ vẫn phải đưa đón đến trường như đi nhà trẻ để “học hộ cha mẹ”, vì sĩ diện. Chính vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần 2 sắp tới, mặc dù các trường THPT đã tổ chức ôn thi không thu bất cứ một khoản tiền nào song số học sinh đến ôn thi không nhiều.
Theo phản ánh, nhiều trường không đạt đến 50% hoặc đầu buổi 1 lớp có 30 học sinh đến ôn, cuối buổi chỉ còn 10- 15 học sinh. Học sinh không đi ôn bài mà đi “ôn” ở quán điện tử, bi-a, hoặc tụ tập đi xe máy đánh võng trên đường… hết giờ về nhà. Do vậy kỳ thi đợt 2 cũng cần phải nghiêm túc, sẵn sàng đón nhận một tỉ lệ đỗ rất thấp cũng là một tiến bộ trong tư duy, bệnh thành tích đã làm hỏng trí thức một lớp trẻ còn đau xót hơn.
Nếu như các thầy giáo, các nhà trường và các bậc phụ huynh học sinh kiên quyết xoá bỏ được “căn bệnh” thành tích và không nuông chiều con em mình thái quá ngay từ khi mới bước vào bậc học mầm non, tiểu học thì chắc chắn chất lượng giáo dục ở Yên Bái sẽ có nhiều khởi sắc trong những năm học tới.
Như vậy việc “dạy yếu, học yếu” sẽ không còn khiến những ngành, người “chức năng” phải đổ lỗi cho nhau như hiện nay.
Minh Hằng