YBĐT – Hàng trăm ha lúa giống ở Yên Bái và trên 16 nghìn ha lúa giống BC15 trong cả nước cùng bị…lép. Cùng lúc này ở Yên Bái, ngành chức năng đã phát hiện giống lúa nhị ưu 838 Tân Tân giả ở Yên Bái. Ngay sau đó giống lúa BC15 giả đã bị bắt giữ ở Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình khiến người nông dân không khỏi lo lắng khi bước vào vụ mới.
Quả đáng ngại bởi việc làm giả giống lúa BC15 không chỉ diễn ra ở Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình mà cả Lào Cai, Quảng Nam, Bình Định, Tây Nguyên, thậm chí ngay cả Thái Bình cũng có. Giống lúa BC15 từ năm 2008 do Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất và lai tạo thành công, đã đăng ký và được Nhà nước bảo hộ độc quyền bán ra thị trường. Các công ty khác, nếu sản xuất và in trên bao bì giống lúa BC15 thì đều là hàng giả, hàng nhái thương hiệu của Công ty. Kể từ khi cung cấp ra thị trường đến nay, Công ty đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vụ nhỏ chỉ mấy tạ giống, nhưng giờ đã lên đến hàng chục tấn. Gian thương giả giống BC 15 bằng cách dùng thóc thịt, hoặc giống khác đóng trong bao BC15 với công nghệ tinh vi, bao bì nhái giống y hệt hàng thật.
Cuối tháng 5/2013, tại Cửa hàng số 2, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phù Nham, huyện Văn Chấn tiến hành kiểm tra việc kinh doanh giống cây trồng do bà Đinh Thị Thíu làm chủ cửa hàng đã phát hiện 159 kg lúa giống Nhị ưu 838 Tân Tân giả. Với mắt thường người nông dân không thể phân biệt được giống lúa thật và giả bởi việc in ấn bao bì, nhãn mác giả tinh vi giống y bao bì, nhãn mác thật. Mấy vụ lúa vừa qua, tại huyện Văn Chấn bỗng nhiên xuất hiện giống lúa Nhị ưu 838 Tân Tân giả khiến cho lượng giống bán ra của Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái giảm 20-30 tấn.
Nguy hại nhất là nông dân bị mất mùa do mua phải giống lúa giả, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái, khi họ dùng tem nhãn giả của Trung tâm… Vụ mùa năm 2012, một số địa phương của Yên Bái mua phải giống lúa Nhị ưu 838 Tân Tân giả về cấy, khi thu hoạch lại ra giống Q5.
Qua việc xuất hiện giống lúa BC15 giả tại nhiều tỉnh, thành của cả nước và giống lúa Nhị ưu 838 Tân Tân giả tại Yên Bái, người dân đặt ra câu hỏi sẽ còn những giống lúa nào đang bị làm giả nữa? Vụ gian thương làm lúa giống BC15 giả tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một ví dụ. Khi đang bị cơ quan chức năng điều tra thu giữ gần 1 tấn thóc giống giả, cơ sở này vẫn vận chuyển 200 kg thóc giống giả BC15 bằng xe khách từ Bắc Giang về Sơn Tây – Hà Nội tiêu thụ và bị bắt.
Bên cạnh sự xuất hiện giống lúa BC15 giả là sự mất mùa ở Yên Bái và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước khiến nhiều hộ nông dân lo lắng. Đặc biệt là sau khi lãnh đạo Tổng công ty giống cây trồng tỉnh Thái Bình khẳng định việc lúa lép ở một số tỉnh vừa qua không phải là lúa giả mà do thời tiết.
Thật đau lòng khi hàng trăm ha lúa của nhà nông Yên Bái bị mất trắng, nhưng đáng buồn hơn là khi được hỏi, ngành chức năng của các địa phương có giống BC15 mất mùa đều nhận được câu trả lời: “Chúng tôi mới nghe dân nói thế, đang cho cán bộ đi kiểm tra thống kê diện tích”. Vẫn biết giống BC15 không nằm trong cơ cấu giống vụ đông xuân, người dân gieo cấy hoàn toàn tự phát nên gánh phần thua thiệt. Song, điều đáng nói ở đây là các cơ quan quản lý, chính quyền từ thôn, bản tới xã, huyện; các ngành chức năng như nông nghiệp, khuyến nông, bảo vệ thực vật làm gì mà để dân cấy hàng trăm ha lúa BC15 tự phát? Phải chăng công tác hướng dẫn, quản lý sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương đang bị bỏ ngỏ?…
Hiện nay, nông dân Yên Bái vẫn chưa biết mình cấy phải giống lúa BC15 giả hay tại thời tiết? Theo đó, sẽ còn có bao nhiêu tạ, tấn lúa giống không nằm trong cơ cấu giống của địa phương vẫn được bày bán ngang nhiên ở các đại lý giống? Bài toán lương tâm và trách nhiệm này đang chờ câu trả lời thỏa đáng của các ngành chức năng.
Đào Minh