YBĐT – 1.668 – là số vụ việc hôn nhân gia đình toà án tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố thụ lý trong vòng 18 tháng qua. 1.186 vụ đã được xử công nhận thuận tình ly hôn – đồng nghĩa có ngần ấy gia đình đã chia lìa, tan vỡ.
Chi tiết hơn, năm 2011 trong 1.056 vụ việc hôn nhân gia đình đã được cơ quan toà án hai cấp thụ lý, đã xử công nhận thuận tình ly hôn 705 vụ; 6 tháng đầu năm 2012, đã thụ lý 612 vụ, xử công nhận thuận tình ly hôn 481 vụ. So sánh thì số vụ việc hôn nhân gia đình toà án thụ lý gấp từ 2 – 2,5 lần số vụ án hình sự thụ lý và ngày càng tăng (năm 2011 tăng trên 200 vụ so với năm 2010, số vụ ly hôn tăng tương đương).
Gia đình có vai trò là “tế bào” của xã hội. Thế nhưng mỗi năm bình quân có từ 700 – 800 “tế bào” tan vỡ. Số vụ ly hôn ngày càng tăng mạnh được nhìn nhận như là một tác động của mặt trái cơ chế thị trường.
Thống kê của Toà án nhân dân tỉnh, quá nửa số vụ ly hôn là do mâu thuẫn gia đình; số còn lại do người vợ bị đánh đập, ngược đãi; do ngoại tình và nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc. Tương ứng với đó, tỷ lệ ly hôn độ tuổi từ 18 tới 30 chiếm gần 1/4 và 59% trong số vụ ly hôn các cặp vợ chồng có con chưa thành niên.
Góc độ tâm lý, pháp luật, các chuyên gia cho rằng hầu hết những người kết hôn tuổi còn trẻ, kiến thức về hôn nhân gia đình sơ sài, dễ bị tác động của mặt trái của xã hội dẫn đến sa đà vào các tệ nạn, trong đó có tệ rượu chè, cờ bạc, ma tuý và ngoại tình (Đáng lưu ý, số vụ ly hôn do ngoại tình nhiều hơn hẳn số chia tay vì lý do nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc).
Đó là những phân tích có cơ sở, nhưng bên cạnh những nguyên nhân do tác động của mặt trái xã hội, cần thấy rõ một nguyên nhân có tính nền tảng”, đó là sự thay đổi về quan niệm của cá nhân trước và sau khi kết hôn dẫn đến làm thay đổi hoặc mất cân bằng các giá trị về hôn nhân.
Sự thay đổi bắt đầu từ quan niệm của người nam, người nữ khi lựa chọn bạn đời và các tiêu chuẩn đi đến kết hôn; là sự định hướng của cha mẹ về người bạn đời của con cái; là sự thay đổi quan niệm của cá nhân về hạnh phúc, gia đình sau kết hôn. Những quan niệm này dẫn đến sự thay đổi những giá trị tưởng như bền vững và nếu không được đáp ứng thì ly hôn được chọn như một lối thoát chứ không phải là giải pháp.
Vấn đề đặt ra là phải làm gì để ngăn chặn tình trạng ly hôn đang ở mức báo động như hiện nay. Về mặt xã hội, cần tăng cường giáo dục kiến thức về hôn nhân gia đình, củng cố các chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội – nhất là cho lớp trẻ; tăng cường hoà giải, từ cơ sở đến toà án; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả các tệ nạn xã hội… Tuy nhiên, ly hôn là việc của cá nhân.
Ly hôn tăng – tức là việc của cá nhân tăng, tăng nhiều mà trở thành hiện tượng đáng lo ngại của xã hội. Như vậy, để “giảm nhiệt” cho hiện tượng xã hội báo động này, mỗi cá nhân khi bước vào cuộc sống gia đình cần có quan niệm đúng về những giá trị trong quan hệ hôn nhân. Từ đó, điều chỉnh kịp thời sự không phù hợp về những giá trị hôn nhân của mình với bạn đời; lấy sự chia sẻ, cảm thông, điều chỉnh làm căn bản duy trì hôn nhân gia đình bền vững, hạnh phúc thay vì chọn ly hôn để giải thoát, nhất là với những gia đình trẻ.
Tuấn Anh