YBĐT – Các cụ xưa có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Từ ý nghĩa của câu nói này mà rất nhiều cặp vợ, chồng đã thường xuyên vun đắp hạnh phúc gia đình, đôi bên nhường nhịn lẫn nhau trong từng lời ăn tiếng nói, cung cách ứng xử hàng ngày; thường xuyên bàn bạc, trao đổi, thảo luận mọi vấn đề trong đời sống xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh những gia đình ấm êm, hạnh phúc, do tác động, ảnh hưởng của cơ chế thị trường, sự thay đổi quan niệm về giá trị của cuộc sống hôn nhân mà hiện nay nhiều gia đình đã rạn nứt, tan vỡ dẫn đến tình trạng ly hôn không ngừng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ.
Tình trạng ly hôn đã trở thành hiện tượng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Còn ở Việt Nam, theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 60.000 vụ (tương đương 0,75 vụ/1.000 dân). Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn chiếm 25% (có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký thì có 1 đôi ra tòa).
Tại Yên Bái, theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, năm 2014, tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 1.360 vụ xin ly hôn (tăng 61 vụ so với năm 2013), trong đó đã giải quyết ly hôn cho 1.126 vụ (tăng 82 vụ so với năm 2013). Địa phương xảy ra tình trạng ly hôn cao là: thành phố Yên Bái (279 vụ), Văn Chấn (178 vụ), Trấn Yên (170 vụ), Văn Yên (169 vụ)…
Trong các vụ ly hôn, số cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi trẻ từ 25 – 30 chiếm tỷ lệ gần 50%. Ngoài các tác nhân khách quan đem lại như: cờ bạc, rượu chè, ma túy, ngoại tình, bạo lực gia đình… thì nguyên nhân hàng đầu vẫn là do các vợ chồng bất đồng trong tính cách, quan điểm, suy nghĩ (chiếm tỷ lệ 70%).
Thực tế chứng minh, đã có không ít cặp vợ chồng trước kết hôn do không tìm hiểu kỹ về tính tình, sở thích, thói quen, nghề nghiệp, hoàn cảnh xuất thân của người bạn đời…; không lường trước hậu quả cũng như định liệu những xung đột có thể xảy ra trong đời sống vợ chồng nên khi về chung sống đã sinh mẫu thuẫn, xích mích.
Thêm vào đó, nhận thức của xã hội về vấn đề “bình đẳng” trong gia đình cũng chưa thật đầy đủ. Nhiều người đàn ông vẫn mang tư tưởng đưa tiền về cho vợ con, đảm bảo cho vợ con có cuộc sống vật chất đầy đủ, sung sướng là đã hoàn thành trách nhiệm người chồng, người cha. Họ coi việc kiếm tiền là quan trọng hơn cả và phó mặc vợ ở nhà với nỗi cô đơn, với công việc nội trợ và chăm sóc con cái.
Bên cạnh đó, lại có những người phụ nữ vì mải mê công danh, sự nghiệp, chuyện học hành, vui chơi, làm đẹp… mà quên đi vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, dần dẫn tới sự mất cân bằng các giá trị trong hôn nhân, làm cho mối quan hệ gia đình bị lỏng lẻo, tình cảm vợ chồng bị mai một.
Hôn nhân tan vỡ không chỉ ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Bởi, gia đình là tế bào của xã hội và khi khi tế bào không “khỏe” thì xã hội cũng bị ảnh hưởng nhiều mặt. Sau những cuộc hôn nhân không thành sẽ là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng trong những năm gần đây.
Để hạn chế tình trạng ly hôn, điều quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi cặp vợ chồng phải tự tháo gỡ, cùng nhau vượt qua thử thách để tình yêu hôn nhân thêm bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cùng các ngành, đoàn thể cũng cần chủ động hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân – gia đình tới người dân; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; thành lập và nhân rộng mô hình câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc” tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở thông qua việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ hòa giải, các già làng, trưởng bản…
Hồng Oanh