YBĐT – Phân bón với cây trồng như thức ăn cho cơ thể sống. Thừa, thiếu hay mất cân đối dinh dưỡng của nguồn thức ăn đều gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống. Một vấn đề mà lâu nay người nông dân luôn quan tâm và luôn bức xúc là nạn phân bón giả.
Hàng năm, các cơ sở sản xuất phân bón trong cả nước cung ứng ra thị trường hàng chục triệu tấn phân bón các loại với hàng ngàn chủng loại, nhãn hiệu phân bón khác nhau.
Cuối tháng 9/2016, Hiệp hội Phân bón Việt Nam ung cấp số liệu chưa đầy đủ trong các năm qua, cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Có những doanh nghiệp đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì so với kết quả kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chênh lệch tới 50%.
Thậm chí, có công ty sử dụng bao bì giả mạo của các công ty phân bón có uy tín trên thị trường mà qua kiểm định của cơ quan chức năng thì thành phần chính trong phân NPK, tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 1,9%, còn lại là bột đá vôi.
Hãy so sánh: Thái Lan có nền nông nghiệp phát triển nhưng chỉ có hơn 100 loại phân bón lưu hành, còn Việt Nam thì có đến hơn 7.000 loại phân bón. Vậy nên ví von rằng, thị trường phân bón trong nước giống “ma trận” cũng là không nói quá.
Nông dân Yên Bái cũng chung mối quan tâm, lo lắng và búc xúc. Yên Bái với lợi thế về đất đai, khí hậu đã quy hoạch và phát triển vùng chè trên 11.000 ha, măng tre Bát độ 3.000 ha, quế trên 30.000 ha, cây ăn quả 8.500 ha, vùng lúa hàng hóa 5.000 ha… Hàng năm, nông dân Yên Bái cần đến một lượng phân bón rất lớn để bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng.
Câu chuyện ở một địa phương trồng cam trọng điểm của huyện Văn Chấn là một ví dụ cho nỗi băn khoăn, lo lắng, bức xúc của nông dân. Lựa chọn cây cam để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn bó với cây cam để thoát nghèo và làm giàu là kỳ vọng của nhiều nông dân nơi đây. Ngoài ưu đãi của thiên nhiên, việc chăm sóc và tác động từ phía con người chiếm phần quyết định đối với năng suất và chất lượng cam quả.
Quá trình bổ sung chất dinh dưỡng cho cây cam thông qua nguồn phân bón, người trồng cam chỉ có thể nhận thấy hiệu quả khi theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây theo thời gian. Thế nên, mua phải phân bón giả, kém chất lượng để bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, nhiều hộ đã “nhỡ” cả một vụ thu hoạch. Ngóng chờ đến ngày thu hoạch mỗi vụ cam là tất cả mọi người trông mong cho cuộc mưu sinh thường ngày lẫn tương lai.
“Đừng nói cây cam kém phát triển mà chính bản thân chúng tôi cũng “tàn” niềm tin! Đừng nói cây cam sẽ “chết” mà chính chúng tôi đã “chết” trước!”. “Ai sẽ là người giúp chúng tôi cam kết bảo đảm về chất lượng phân bón trên thị trường hiện nay? Một vụ còn có thể gắng gượng để “vớt” lại vụ sau chứ cứ “nhỡ” liên tiếp thì đi tong sản nghiệp, thương hiệu lẫn hy vọng”- những nông dân trồng cam đã nói vậy!
Nhằm giải quyết triệt để những tồn tại và bất cập trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, ngày 1/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 15/3 đến hết tháng 9/2017.
Hy vọng rằng đợt cao điểm kiểm tra này sẽ mang lại niềm tin cho người nông dân đồng thời lập lại trật tự thị trường phân bón trong nước.
Nguyễn Thơm