YBĐT – Băng tuyết đã tràn về, giông lốc đã xảy ra – những diễn biến thời tiết và thiên tai những tháng qua càng minh chứng rõ thêm về nhận định thời tiết năm nay sẽ diễn biến rất bất thường và rất phức tạp.
Đầu năm – tháng Một ở vùng cao và nhiều địa bàn miền núi, giá rét, băng tuyết tràn về gây hậu quả nặng nề cho sản xuất và đời sống nhân dân. Hậu quả còn chưa khắc phục xong, tháng Tư đã xuất hiện những cơn mưa rào, nước đã dồn về đỏ các dòng chảy; giông lốc hất tung hàng chục mái nhà, làm vỡ tấm lợp nhiều nhà dân, gây thiệt hại về gia súc và hoa màu, chuồng trại của đồng bào Mông ở xã Lao Chải, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Cao Phạ (Mù Cang Chải); 13 ngôi nhà ở xã Mường Lai, Minh Xuân, Mai Sơn (Lục Yên) đổ sập, hàng trăm nhà khác tốc mái. May mắn, chưa có người thương vong.
Nhìn lại năm 2015, thiên tai so với những năm trước xảy ra không nhiều và thiệt hại không lớn so một số địa phương trong cả nước nhưng hậu quả của nó để lại vẫn khá nặng nề trong điều kiện của một tỉnh miền núi như Yên Bái. Hai người chết do lũ cuốn, trên 660 ngôi nhà sập đổ và hư hại khoảng 370 ha lúa và rau màu bị ngập; một số công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng, thiệt hại quy ra tiền khoảng 5 – 6 tỷ đồng.
Hậu quả chắc chắn sẽ nặng nề hơn, nếu không có sự chủ động và thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả. Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai năm qua, có nguyên nhân rất quan trọng là hiệu quả, hiệu lực trong chỉ đạo của các cấp chính quyền đã được nâng lên; sự chủ động, kịp thời phòng chống của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân đã được tăng cường, đó là kết quả của sự chủ động trong chỉ đạo, phát huy phương châm “bốn tại chỗ”.
Mùa mưa bão năm 2016 đã bắt đầu. Những diễn biến thời tiết và thiên tai những tháng qua càng minh chứng rõ thêm về nhận định thời tiết năm nay sẽ diễn biến rất bất thường và rất phức tạp. Yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành cần có ngay những phương án, kế hoạch, biện pháp phòng chống thiên tai thực sự chủ động và hiệu quả – đây cũng là chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Chủ động là yêu cầu tiếp tục được quán triệt để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Các ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn ở các cấp đã cơ bản được kiện toàn, các thành viên cần phải xác định rõ nhiệm vụ, công việc, sớm tham mưu cho chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở và các ngành để chủ động rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp, sát tình hình và thực tế địa phương. Các cấp, các ngành và mỗi hộ dân cần chủ động hơn trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.
Trong quá trình thực hiện, cần có phương án cụ thể phù hợp với từng loại và tính chất, mức độ thiên tai, như: mưa to kéo dài, lũ quét, tố lốc… để chủ động, ứng phó và khắc phục hậu kịp thời. Để có được sự chủ động trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương, đơn vị cần cập nhật, nắm bắt thông tin về tình hình, diễn biến thời tiết; chủ động thông báo cho nhân dân biết để phòng tránh; tuyên truyền thường xuyên bằng nhiều hình thức, phổ biến các kinh nghiệm trong phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; cương quyết đưa các hộ dân di rời khỏi những vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vùng thấp trũng để đảm bảo tính mạng và tài sản.
Băng tuyết đã tràn về, giông lốc đã xảy ra – đó là những tiếng chuông nhắc nhở các cấp, các ngành, mọi người dân cần chủ động và chủ động hơn nữa trong thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, một đòi hỏi tức thì không thể chậm trễ.
Quang Tuấn