YBĐT – Dịp Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng nhất trong năm, trong đó nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ thịt và một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác tăng hàng chục lần so với ngày thường. Việc này dễ dẫn đến hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Nghị định 178/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 31-12-2013. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức thay vì 15 triệu đồng như trước đây đã cho thấy một chế tài cứng rắn hơn, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ nhằm thắt chặt hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) – lĩnh vực còn khá lỏng lẻo và đang ngày một “nóng” lên trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao khi mà tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã cận kề.
Nhiều người hẳn chưa quên vụ án ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội làm 15 người phải nhập viện, trong đó 6 người tử vong. Với nồng độ Methanol cao gấp 2000 lần mức cho phép, cồn thực phẩm đã được chủ cơ sở sản xuất thay thế bằng cồn công nghiệp để pha chế thành rượu và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Người tiêu dùng đặt niềm tin và cả tính mạng mình trong tay người sản xuất kinh doanh. Nhưng sự choáng ngợp của những khoản lợi nhuận bất chính khổng lồ đã khiến không ít chủ cơ sở sản xuất kinh doanh xếp lương tâm mình xuống hàng … không xếp hạng! Dẫu vậy thì điều đáng mừng là lần đầu tiên hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất an toàn bị xử lý trách nhiệm hình sự mà Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội là một ví dụ điển hình. Điều này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người; trong đó, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp có xảy ra…
Dịp Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng nhất trong năm, trong đó nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ thịt và một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác tăng hàng chục lần so với ngày thường. Việc này dễ dẫn đến hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Một vấn đề không khỏi khiến người tiêu dùng vừa ăn vừa lo là hàm lượng phụ gia thực phẩm được sử dụng trong hàng đồ ăn ngày tết ngày một nhiều hơn. Thêm vào đó, tình trạng buôn bán thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống, phủ tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, hóa chất, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định… cũng nhân cơ hội này hoành hành. Mối lo ngại sử dụng phải thực phẩm “bẩn” cũng khiến các bà nội trợ đau đầu.
Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây liên tục đưa tin, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn”, thối trên địa bàn cả nước thì một trong những nguyên nhân được xác định là môi trường ký sinh thuận lợi để các thực phẩm bẩn còn “đất sống”, đó là người tiêu dùng vẫn vô hình chung đang tiếp tay cho thực phẩm bẩn khi chưa biết cách tự bảo vệ mình. Thực tế cho thấy, không hiếm người tiêu dùng, vì điều kiện kinh tế eo hẹp, ham đồ rẻ bỏ qua chất lượng, ít hoặc chưa quan tâm đến xuất xứ sản phẩm…; thêm nhận thức chết người khi nghĩ rằng, cứ qua chế biến các thực phẩm đó sẽ an toàn!
Thật mừng là sản xuất nội địa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm sản xuất trong nước đã lấy lại được sự tin dùng của người Việt khi đánh bật hàng hóa ngoại nhập, nhất là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Thị hiếu “người Việt dùng hàng Việt” tăng cao, lan tỏa trong cộng đồng cũng đã khiến gian thương lợi dụng tuồn hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt vào thị trường các tỉnh, thành tiêu thụ mạnh trong dịp tết.
Mặc dù trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa phát hiện hành vi gian thương này nhưng trên cả nước, đặc biệt là địa bàn thành phố Hà Nội, đầu tháng 1/2014, lực lượng chức năng địa phương đã thu giữ được 4 tấn bánh kẹo đội lốt hàng Việt Nam. Toàn bộ số hàng hóa trên đều có mã vạch xuất xứ Trung Quốc, nhưng trên bao bì sản phẩm lại ghi tên 4 cơ sở sản xuất trong nước mà điều tra tìm hiểu theo địa chỉ cơ sở sản xuất lại không có thực.
Không ai dám chắc, trên địa bàn Yên Bái không tồn tại các loại thực phẩm “bẩn” hay hàng hóa, thực phẩm của Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam. Và cũng không ai dám chắc trong đồ ăn, thức uống ngày tết của gia đình mình lại không “dính” những thực phẩm độc hại, thừa hóa chất, dư phụ gia.
Thiết nghĩ, cùng với siết chặt công tác quản lý nhà nước cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản…, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các làng nghề truyền thống; chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn ngốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm ATTP của các ngành chức năng và chính quyền địa phương với “cây quyền trượng” là Nghị định 178/2013/NĐ- CP của Chính phủ thì mỗi người tiêu dùng hãy là những “nhà thông thái” trách nhiệm để loại bỏ thực phẩm “bẩn”, hàng giả, hàng lậu… ra khỏi mâm cỗ Tết của gia đình mình, để xuân Giáp Ngọ 2014 trọn vẹn niềm vui.
Phạm Minh