YênBái – YBĐT – Với địa hình miền núi có sự phân cách mạnh bởi núi cao, sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên thiên tai tại Yên Bái rất phức tạp, bất thường và khó dự báo. Gió xoáy, mưa đá, sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi vào mùa mưa, ngoài ra còn có lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản.
Theo dõi hàng năm cho thấy, dù ít chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng Yên Bái thường ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, mưa to cường độ mạnh gây ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… trong đó, đáng chú ý là lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt. Đây là vấn đề hết sức nan giải đối với Yên Bái do địa hình nhiều núi cao, sườn dốc, ít mặt bằng để bố trí dân cư.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 70% số hộ dân đang sinh sống ở các sườn núi, chân đồi, ven các ta luy đường; một bộ phận khá đông sống ven sông, suối, vùng trũng nên khi có mưa to gây lũ quét, sạt lở đất thường chịu thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Theo thống kê vài chục năm trở lại đây, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra các loại hình thiên tai này và có xu hướng ngày càng tăng. Trong đó, năm 2005 và 2008 là năm xảy ra lũ quét, sạt lở đất lịch sử đã làm 118 người chết và mất tích, 27 người bị thương; 695 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và lũ cuốn trôi… thiệt hại về kinh tế trên 880 tỷ đồng.
Năm 2015 và những năm tiếp theo được dự báo thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Dù mùa mưa bão năm nay mới bắt đầu, tuy chưa ảnh hưởng nặng nề như các tỉnh trong khu vực nhưng việc chuẩn bị tốt để sẵn sàng đối phó với thiên tai là một đòi hỏi cấp bách đối với các cấp, các ngành và mỗi người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Với mục tiêu: “Giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai mưa lũ gây ra” các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; rà soát, xác định các vùng nguy hiểm khi xảy ra mưa bão trên địa bàn, chủ động thực hiện các phương án di dời dân cư, chuẩn bị phương án sơ tán dân khi cần thiết. Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, chủ động sửa chữa, khắc phục các sự cố.
Đối với các hồ chứa lớn như Thác Bà, Từ Hiếu và hệ thống hồ chứa của huyện Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên… cần bảo vệ nghiêm ngặt, tu bổ, bảo dưỡng máy móc, huấn luyện lực lượng vận hành ở tư thế sẵn sàng tham gia chống lũ và có phương án xử lý sự cố để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân ở vùng thượng, hạ du. Các đơn vị cần có kế hoạch quản lý, củng cố và hộ đê đối với 10 tuyến đê bao và các tuyến kè sông, suối.
Để phòng trách lũ quét, sạt lở đất, các địa phương phải tổ chức giải phóng ngay các công trình kiến trúc và các vật cản như tre, gỗ… ở tất cả các khe suối, đặc biệt chú ý các suối ở thành phố Yên Bái, Ngòi Thia, Ngòi Nhì ở Văn Chấn và Nghĩa Lộ. Đối với công tác bảo vệ hậu phương cần có kế hoạch phòng, chống và di dân ở những vùng thường xuyên bị ngập lụt như: thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và vùng lòng hồ Thác Bà; vận động nhân dân mua sắm thuyền, bè, mảng… phục vụ di chuyển nhanh, an toàn khi có mưa bão xảy ra; mỗi gia đình ít nhất phải chuẩn bị 5 ngày lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng tại chỗ; có kế hoạch bảo vệ sức khỏe con người, gia súc, gia cầm, cây giống… để kịp thời sản xuất sau lũ. Bên cạnh đó, chuẩn bị các phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mọi tình huống; tổ chức ứng trực 24/24h để có những thông tin xử lý kịp thời.
Thiên tai thường bất ngờ và phức tạp, nhưng sự chủ động, cảnh giác sẽ là yếu tố quan trọng để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
Hồng Duyên