YBĐT – Trong những ngày này, khắp nơi sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để cả xã hội tôn vinh các nhà giáo – những người đang từng ngày, từng giờ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Sau mấy chục năm đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân đã được cải thiện rất nhiều, công tác giáo dục cũng trải qua những thăng trầm với rất nhiều nỗ lực cống hiến để góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Kết quả đó là nhờ phần lớn công lao của người thầy – những người đã được xã hội tôn vinh là “kỹ sư tâm hồn”.
Hàng ngày, các thầy, các cô vẫn cần mẫn với trang sách, trang giáo án, với đồ dùng dạy học và các phương pháp giảng dạy tích cực để làm sao truyền thụ tốt nhất kiến thức cho học trò thân yêu. Hình ảnh các thầy, cô giáo trèo đèo, lội suối đến từng gia đình ở các xã vùng cao, vùng xa để vận động con em đồng bào đến lớp, rồi cùng học trò nhổ cỏ trồng rau, chăm chút bữa ăn nội trú ngày càng trở nên quen thuộc.
Thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là những phong trào đang được đẩy mạnh trong các nhà trường.
Trong xu thế phát triển và từng bước hội nhập của nền kinh tế – xã hội, trong đó có cả thầy và trò, đều chịu tác động không nhỏ của cơ chế thị trường. Trường hợp cô cậu vừa học lớp 1, lớp 2 đã biết yêu cầu bố mẹ phải có “quà” cho cô giáo là có. Cái sự “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” quá mức của phụ huynh đã làm cái nhìn của một bộ phận học sinh về các thầy, cô không còn trong trẻo như trước.
Chuyện đóng góp xây dựng trường ở đây đó còn chưa đúng mức theo đúng chủ trương xã hội hóa. Nghĩa thầy trò ít trọn vẹn, bởi học sinh quá áp lực chuyện học hành, chuyện điểm chác. Thầy, cô cũng đau đầu với chuyện dạy thêm – học thêm, vì quy luật “cung-cầu” của xã hội. Những “ê kíp” dạy thêm cũng vì thế mà hình thành theo cung bậc giá trị tiết dạy và chất lượng chuyên môn, nhất là ở địa bàn đô thị.
Ngành giáo dục đã có nhiều động thái tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng với tăng cường đổi mới giáo dục đã khuyến khích các thầy, cô tự học tập, rèn luyện để cùng với nhiệt huyết sẽ có nhiều hơn kỹ năng tốt khi bước lên bục giảng.
Song như thế chưa đủ, mà cần phải cộng lực nhiều hơn từ xã hội, từ mỗi gia đình học sinh. Đầu tư cho con em là việc các gia đình hết sức quan tâm, nhưng phụ huynh cần hơn là phải rèn cho trẻ thái độ học tập tích cực, đồng thời nhìn nhận đúng mức về kết quả nhằm từng bước hướng tới sự công bằng trong một xã hội học tập, làm sao để truyền thống “tôn sư trọng đạo” mang đúng nghĩa vốn có, giá trị giáo dục thực sự đo bằng sự tôn vinh của xã hội đối với thầy, cô.
Minh Quang