YBĐT – Những năm gần đây, việc triển khai các đề tài, dự án khoa học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Thông thường, vào quý 2 hàng năm, Sở Khoa học – Công nghệ (KHCN) căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội và tư vấn của Hội đồng KHCN tỉnh để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển KHCN. Hồ sơ các đề tài được tổng hợp, được Hội đồng chuyên gia tổ chức xét, tuyển chọn theo các bước đúng quy định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Cứ như thế, mỗi năm có hàng chục đề tài, dự án khoa học được triển khai. Thông thường, số đề tài, dự án được phê duyệt triển khai hàng năm đạt khoảng 25 – 30% số hồ sơ đề tài, dự án của các tổ chức, cá nhân.
Và cũng trên cơ sở cơ cấu kinh tế của tỉnh mà số đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp vẫn chiếm số đông. Đơn cử năm 2011, lĩnh vực này có tới 54 đề tài, dự án (chiếm 73%) tổng số đề tài, dự án, 17,5% là lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, còn lại là các lĩnh vực khác.
Việc triển khai các đề tài, dự án đã góp phần đưa các giống cây, con mới, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Có thể nhắc đến như Đề tài “Chọn lọc, phát triển sản xuất và xây dựng nhãn hiệu cho giống lúa thơm đặc sản Chiêm Hương tại xã Đại Phác, huyện Văn Yên”, Đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp KHCN nhằm phát triển sản xuất dâu tằm bền vững tại huyện Trấn Yên”.
Hoặc như Đề tài “Nghiên cứu nguyên nhân gây giảm năng suất bưởi Đại Minh và biện pháp khắc phục”; các đề tài về quả vải chín sớm thực hiện ở Sơn Thịnh (Văn Chấn), mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất nấm hàng hoá, mô hình trồng cỏ Guatemala làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc, thử nghiệm giống lúa DS1 ở Mù Cang Chải, mô hình thâm canh và phát triển giống hồng ngâm Lục Yên…
Vấn đề đặt ra là, các đề tài, dự án khoa học chủ yếu mới dừng ở mức thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng thực thi những giải pháp KHCN ở địa phương.
Nếu thử nghiệm thành công lại ít có sự đầu tư để ứng dụng, nhân rộng trên thực tế, mang tính đột phá với mục tiêu tạo nhiều việc làm và mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất. Mỗi năm, tỉnh Yên Bái đầu tư 5 đến 7 tỷ đồng cho việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học.
Nguồn kinh phí như thế khó mà kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động lớn trong nền sản xuất vốn manh mún, tự phát và tư tưởng “bóc ngắn cắn dài” của người dân.
Trong những năm qua, do phân cấp quản lý, các đề tài dự án khoa học cũng chỉ triển khai với “quy mô bình bình” do nguồn đầu tư phải san sẻ cho phù hợp, ít có đề tài dự án được đầu tư vượt quá mốc 300 triệu đồng.
Phải chăng, các tổ chức, cá nhân không đủ khả năng để thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng có quy mô và mức đầu tư lớn hơn? Chắc đây không phải là nguyên nhân chính, cho dù số tổ chức, cá nhân trong tỉnh tham gia thực hiện các đề tài mới chiếm tỷ lệ 30%, còn lại đều dành cho nhà khoa học ngoài tỉnh; hoặc số đề tài nghiên cứu ứng dụng đối với lĩnh vực lâm nghiệp cũng không nhiều do chu kỳ sản xuất phải kéo dài nhiều năm.
Năm 2012, đã có 30 đề tài, dự án được Hội đồng KHCN tỉnh xét duyệt. Mới đây, UBND tỉnh đã có Quyết định số 951/UBND-TC sửa đổi Quyết định 294/2007/QĐ-UBND về quy định quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Yên Bái. Đồng thời, tỉnh cũng có chủ trương dành nguồn đáng kể đầu tư xây dựng một số mô hình sản xuất nông lâm nghiệp có tính thực tiễn cao.
Đây là những điều chỉnh tích cực, hy vọng mang lại những thay đổi quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thử nghiệm và ứng dụng thực tiễn các đề tài, dự án khoa học, tạo ra những chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông lâm nghiệp từ các thử nghiệm thành công của các đề tài, dự án mang lại.
Minh Quang