YBĐT – Những năm qua, chủ trương của tỉnh Yên Bái phân công các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện giúp đỡ các xã khó khăn trên địa bàn đã triển khai và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái đã được các ban, ngành, đoàn thể đỡ đầu dành cho sự quan tâm nhất định. Thông qua việc đỡ đầu, các ngành của tỉnh nắm bắt sâu sắc hơn tình hình kinh tế – xã hội của địa phương cơ sở. Có đơn vị cử cán bộ về giúp đỡ địa phương trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng bào, giúp cấp ủy, chính quyền củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giúp cách làm kinh tế….
Ở Mù Cang Chải, việc làm này tạo chuyển biến khá rõ nét. Một số ngành của tỉnh đã có những khoản hỗ trợ nhất định về vật chất phục vụ đời sống văn hóa, giúp đỡ cây, con giống, kỹ thuật để đồng bào thâm canh, phát triển kinh tế – xã hội.
Vào dịp lễ tết, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đều cử đoàn cán bộ đến các xã được giao phụ trách để thăm hỏi, tặng quà tết, hỗ trợ hoặc huy động hỗ trợ hộ khó khăn, động viên thiếu nhi nhân Ngày quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu, hoặc đón năm học mới. Ngành nào có nguồn phúc lợi dồi dào và thực sự quan tâm đến địa phương được giao phụ trách thì mỗi năm vài lần dành thời gian đến xã, khó khăn hơn cũng phải đôi lần. Song, các ban, ngành, đoàn thể của huyện mới là nơi thực hiện khá hiệu quả vai trò “tay ngành, tay xã”.
Ở xã vùng cao, nơi trình độ cán bộ địa phương bất cập, dân trí thấp, đặc biệt là những phong tục, tập quán lạc hậu trong sản xuất và sinh hoạt còn tồn tại thì việc có mặt của cán bộ cơ quan được phân công giúp đỡ là rất cần thiết. Có cơ quan ít cán bộ nhưng đã cắt cử, thay phiên nhau xuống xã được giao phụ trách để nắm tình về báo cáo huyện và để đôn đốc địa phương chỉ đạo người dân thực hiện kế hoạch.
Một số đơn vị cử cán bộ giúp cán bộ địa phương nâng cao trình độ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Các cơ quan, đơn vị còn vận động cán bộ công chức quyên góp giúp con em đồng bào ở xã được phân công phụ trách đến trường…
Nhờ đó, người dân thấy mình được chia sẻ, quan tâm sẽ có ý thức tự cố gắng; cán bộ thì qua đó tự nhận thức bài học gần dân, hiểu dân để có trách nhiệm với dân hơn. Chủ trương của tỉnh về các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện giúp đỡ các xã khó khăn trên địa bàn nhờ đó mà phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải có biện pháp, cách thức giúp đỡ thế nào để tạo ra những chuyển biến có tính đột phá và phát triển bền vững. Bởi nếu chỉ dừng lại ở kết quả như hiện tại thì dường như mới đạt được về hình thức.
Ở huyện vùng cao, tình trạng trông chờ, ỷ lại vẫn diễn ra phổ biến ở một số địa phương. Có xã đã tiến hành làm đông xuân từ cách đây 20 năm, tưởng chừng đã thành nếp trong đồng bào nhưng cứ đến vụ, cán bộ nông nghiệp vẫn phải lội ruộng gieo mạ cho dân. Thế nên mới có chuyện, vào thời vụ, lãnh đạo các cơ quan của huyện phải về xã được giao phụ trách để đôn đốc việc cày bừa, gieo cấy.
Nếu có phải đi họp ngành dọc cấp trên thì bí thư huyện ủy có thể báo cáo hộ để hoàn thành việc “giúp xã”. Có huyện vùng thấp lại giao cho một cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa giúp đỡ một xã khó khăn trong phát triển kinh tế, người dân ở đây cần sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cần cách thức làm ăn để xóa đói giảm nghèo.
Khắc phục tình trạng này thế nào? Đã đến lúc các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ mang tính chất “tinh thần” cho các xã đỡ đầu. Dẫu biết còn rất nhiều nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, nhưng cần hơn thời gian và sự trăn trở về giải pháp nào đó để các địa phương này vươn lên. Các ban, ngành, đoàn thể ở huyện nên có cách thức giúp đỡ để giảm dần tình trạng “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ đúng cái “cần” mà cán bộ và người dân địa phương mong mỏi nhằm tháo gỡ khó khăn…
Và cuối cùng là phải có quyết tâm thực sự từ các phía để chủ trương các ngành, đoàn thể phụ trách xã mang lại hiệu quả rõ rệt hơn nữa.
Minh Quang