YBĐT – Chương trình 135 giai đoạn II sẽ kết thúc trong năm 2010 để tiến hành giai đoạn đầu tư tiếp theo. Mục tiêu UBND tỉnh Yên Bái đề ra là 100% số xã tham gia chương trình thực hiện vai trò chủ đầu tư nhằm phát huy dân chủ từ chủ trương đầu tư, lựa chọn công trình tới huy động sự tham gia của nhân dân; hơn nữa là nâng cao một bước năng lực quản lý, tổ chức, thực hiện của UBND cấp xã, thị trấn.
Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010), tỉnh Yên Bái có 65 xã và 157 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc 45 xã của 8 huyện, thị tham gia thực hiện với tổng vốn phân bổ trên 456 tỷ đồng. UBND tỉnh phân cấp UBND cấp huyện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình xây dựng thuộc hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; phân cấp cho UBND xã làm chủ đầu tư một số công trình (thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng), hạng mục công trình có quy mô nhỏ.
Năm 2008, Yên Bái có 53 xã được phân cấp làm chủ đầu tư, chủ yếu là các hạng mục lập quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng giai đoạn 2006 – 2010, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Năm 2009 và 2010, tỉnh giao xã làm chủ đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, hỗ trợ các dịch vụ cải thiện nâng cao đời sống, trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật và vốn duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư. Từ năm 2006 – 2009, tại thôn bản đã đầu tư xây dựng 89 km đường, 16 cầu, cống, ngầm; sửa chữa, làm mới kênh mương, đập giữ nước 14 công trình; đầu tư 18 công trình điện; 44 nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn bản…
Các công trình tại xã: đã đầu tư 172 km đường, xây dựng 28 công trình cầu cống, ngầm với tổng chiều dài 2.478 m; sửa chữa, làm mới kênh mương, 60 công trình đập giữ nước phục vụ nước tưới cho 1.745 ha; đầu tư 23 công trình điện, chiều dài đường dây 53,38 km; xây dựng 16 công trình với 45 phòng học và nhà ở cho giáo viên và học sinh…
Trong số các công trình do cấp xã làm chủ đầu tư, nhiều công trình hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, bảo đảm giải ngân trong kế hoạch niên độ vốn. Tuy nhiên, khá phổ biến là các công trình thường chậm về tiến độ, từ chọn lựa công trình, ra quyết định đầu tư, lựa chọn tư vấn thiết kế, trình duyệt hồ sơ tới chọn lựa nhà thầu, tổ chức thi công…
Những hạn chế trên có nguyên nhân trực tiếp, chủ quan, chủ yếu là do trình độ chuyên môn, năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng còn yếu trong khi thủ tục đầu tư nhiều quy trình với các quy định pháp luật khắt khe. Ở các xã vùng cao diện đặc biệt khó khăn với các xã vùng II có thôn bản diện 135 đang có sự khác biệt trong thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư.
Trong khi các xã vùng II quản lý, tổ chức thực hiện dự án khá tốt thì nhiều xã vùng cao còn ì ạch, có nơi cấp xã “đòi trả lại vai trò chủ đầu tư cho cấp huyện. UBND cấp huyện lo ngại không bảo đảm tiến độ, hoàn thành sẽ bị cắt vốn, ảnh hưởng tới tiến độ và kết quả thực hiện chương trình phải bố trí cán bộ hỗ trợ – thực chất là làm thay cho xã. Vấn đề có tính cấp thiết hiện nay là cần tăng cường và đổi mới phương pháp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cơ chế quản lý cho thành viên ban chỉ đạo cấp xã, cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng.
Với những xã vùng cao, trình độ và năng lực cán bộ cơ sở hạn chế, cần có chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, cấp xã vừa trong vai “ông chủ” vừa trong vai “tập việc”; có sự kiểm tra, đôn đốc của ban chỉ đạo cấp trên để cán bộ cơ sở thạo việc, biết làm rồi tiến tới tốt, làm hiệu quả.
Về lâu dài, các địa phương cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực cho cán bộ cấp xã, thực hiện tốt các chính sách của tỉnh về công tác cán bộ cho vùng cao, cán bộ ở địa phương, cán bộ là người dân tộc thiểu số; bổ sung cán bộ có năng lực, trình độ tham gia quản lý, thực hiện các hợp phần xã làm chủ đầu tư.
Chương trình 135 giai đoạn II sẽ kết thúc trong năm nay để tiến hành giai đoạn đầu tư tiếp theo. Mục tiêu UBND tỉnh đề ra là 100% số xã tham gia chương trình thực hiện vai trò chủ đầu tư nhằm phát huy dân chủ từ chủ trương đầu tư, lựa chọn công trình tới huy động sự tham gia của nhân dân; hơn nữa là nâng cao một bước năng lực quản lý, tổ chức, thực hiện của UBND cấp xã, thị trấn.
Nâng cao trình độ, năng lực quản lý, tổ chức, thực hiện vai trò chủ đầu tư cho cấp xã là một yêu cầu, nhiệm vụ cần được các cấp quan tâm hơn nữa để giai đoạn đầu tư tiếp theo của Chương trình 135 đạt tiến độ, kết quả đề ra, thiết thực thúc đẩy kinh tế – xã hội các xã vùng 135, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tuấn Anh