YBĐT – Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề về ô nhiễm môi trường, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải đang ngày càng phổ biến. Theo số liệu thống kê, hết năm 2013,
Yên Bái có 14/17 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động (4 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp), 360 cơ sở khám, chữa bệnh, trung bình mỗi ngày thải từ 40 – 50 tấn/rác ngày. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm có trên 197.355 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong cộng đồng dân cư. Đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Dù đã hết sức quan tâm xử lý, nhưng thời gian qua cho thấy, việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn còn nhiều bất cập. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn chủ yếu vẫn theo phương pháp chôn lấp (toàn tỉnh có 9 bãi chôn lấp chính) với công nghệ xử lý đơn giản, chất thải được thu gom (chưa được phân loại) tập kết và vận chuyển đến bãi đổ. Do vậy, các bãi chôn lấp rác đều không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường vì đây mới chỉ là nơi chứa rác và rác được phân hủy một cách tự nhiên, thiếu sự hỗ trợ của các biện pháp kỹ thuật. Đến nay, cả tỉnh chỉ có một đơn vị thu gom và xử lý rác trên địa bàn thành phố Yên Bái là Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành.
Đặc điểm chất thải rắn công nghiệp của Yên Bái chủ yếu là các phế thải, nguyên liệu thừa từ quá trình sản xuất công nghiệp như khai thác và chế biến khoáng sản, gia công chế tạo cơ khí, chế biến nông, lâm sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, ván ép… Việc thu gom các chất thải đã được các doanh nghiệp tận thu cho sản xuất, để làm đường giao thông hoặc bán phế liệu, chỉ một phần nhỏ được vận chuyển đến bãi chôn lấp. Tuy nhiên, trong đó có lẫn cả chất thải nguy hại như dầu mỡ thải, giẻ lau dính dầu mỡ, ắc quy hỏng và một số hóa chất hết hạn sử dụng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Khối lượng chất thải y tế chủ yếu tập trung tại các bệnh viện lớn. Tình hình xử lý chất thải rắn y tế tại các bệnh viện rất khác nhau. Trong số 36 cơ sở y tế bao gồm các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế các huyện và một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Kiểm tra trong năm 2014, hiện nay có 10 cơ sở đã có lò đốt chất thải rắn y tế và 1 cơ sở có thiết bị hấp chất thải rắn y tế; 5 cơ sở hợp đồng với các trung tâm y tế hoặc bệnh viện trên địa bàn để được hỗ trợ xử lý còn 20 cơ sở chưa có biện pháp xử lý trong đó có chất thải y tế nguy hại. Vì vậy, các đơn vị này phải lưu trữ trong kho hoặc đem đốt và chôn lấp không đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Chất thải công nghiệp, y tế và rác thải từ việc xử lý chất thải chưa triệt để, ý thức và kiến thức của đơn vị doanh nghiệp, người dân chưa cao mà môi trường đang dần xuống cấp ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe cộng đồng. Đây là yếu tố dẫn đến môi trường tự nhiên suy giảm, gây biến đổi khí hậu; gây ảnh hưởng sản xuất cũng như phát sinh nhiều bệnh tật cho con người.
Để khắc phục những tồn tại và thực hiện tốt hơn công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, việc trước tiên chúng tác cần làm là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ gia đình trong công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và thu gom rác thải ở các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức thành lập các tổ, đội thu gom xử lý rác thải tại các xã, thị trấn; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom rác thải, có chính sách hỗ trợ khuyến khích các mô hình phát triển đầu tư sản xuất theo hướng thận thiện với môi trường. Lựa chọn giải pháp công nghệ xử lý phù hợp với từng loại chất thải; đa dạng hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị để phục vụ tốt công tác thu gom xử lý chất thải trên địa bàn các địa phương.
Các cụm, khu công nghiệp cần xây dựng khu lưu trữ tạm thời chất thải; thực hiện ngay việc mua và đặt các thùng rác để thu gom chất thải tại nơi công cộng; thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các đơn vị cập nhật đầy đủ số liệu về lượng rác thải phát sinh. Đối với chất thải y tế cần ưu tiên lựa chọn mô hình xử lý tập trung với các cơ sở y tế có khoảng cách gần nhau, có thể lựa chọn mô hình xử lý theo cụm. Với cơ sở không có điều kiện vận chuyển chất thải rắn y tế đến khu xử lý tập trung hoặc xử lý theo cụm thì lựa chọn xử lý theo hướng tại chỗ.
Quang Thiều