YBĐT – Mù Cang Chải chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu những năm gần đây, nguyên nhân chính là do người dân bao đời nay vẫn tồn tại phương thức canh tác đốt nương làm rẫy lạc hậu, rồi chặt cây rừng trồng và sấy thảo quả.
Cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, những năm gần đây, trên địa bàn vùng cao Mù Cang Chải thời tiết luôn có những diễn biến phức tạp, bất thường: rét đậm, rét hại liên tục xảy ra, tiếp đến hạn hán, mưa lũ. Đặc biệt đầu năm 2012 vừa qua, các đợt nắng nóng đột biến đã tác động không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Một điều dễ nhận thấy nhất những ảnh huởng của biến đổi khí hậu đối với vùng cao Mù Cang Chải là trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Là nơi đầu nguồn, từ trước tới nay, Mù Cang Chải chưa bao giờ thiếu nước sản xuất nghiêm trọng mặc dù người dân vẫn có thói quen “chờ nước mưa” để gieo cấy. Thế nhưng năm nay, do biến đổi khí hậu, mưa ít, mùa mưa cũng muộn hơn nên vụ sản xuất đông xuân nhiều diện tích đã bị khô hạn, nứt nẻ. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã hiện hữu trên những thửa ruộng bậc thang vùng cao.
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, nếu các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn không chủ động ứng phó thì sẽ không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mà còn ảnh hưởng đến việc duy trì, bảo vệ Di tích danh thắng Ruộng bậc thang cấp quốc gia. Cũng do không chủ động được với biến đổi thời tiết của người dân mà 250 ha ngô trên chân ruộng một vụ trong vụ đông xuân năm nay chỉ có chưa đầy 15 ha cho thu hoạch; diện tích còn lại phần lớn chết do thiếu nước.
Ông Giàng Chứ Ly – Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn bày tỏ lo lắng: “Chưa bao giờ người dân thiếu nước như vụ sản xuất đông xuân năm nay. Đây là sự thay đổi lớn về khí hậu. Không biết rồi sang năm không có nước, nhân dân có còn thiết tha với sản xuất vụ đông xuân nữa không?”.
Làm cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông lâm nghiệp, biến đổi khí hậu còn dẫn đến nhiệt độ tăng cao. Trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2012, các đợt nắng nóng đột biến đã khiến nền nhiệt độ ở Mù Cang Chải có lúc lên tới 33,5 độ C – cao nhất từ trước tới nay, cộng với độ ẩm cao khiến vùng cao này lần đầu tiên đã xuất hiện dịch chó dại: chưa đầy 5 tháng qua đã có trên 500 trường hợp bị chó cắn, trong đó 3 trường hợp đã tử vong.
Mù Cang Chải chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu những năm gần đây, nguyên nhân chính là do người dân bao đời nay vẫn tồn tại phương thức canh tác đốt nương làm rẫy lạc hậu, rồi chặt cây rừng trồng và sấy thảo quả. Cũng do nắng nóng khô hanh mà trong những năm qua, năm nào trên địa bàn cũng xảy ra cháy rừng. Cháy rừng, tài nguyên rừng bị thu hẹp, người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng đã để lại hệ lụy: mùa khô thì cạn kiệt, mùa mưa thì thừa nước dẫn đến lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Điển hình là trận mưa lớn kéo dài cuối tháng 6/2011 đã gây ra lũ quét ở bản Sua Lông, xã Nậm Khắt làm 4 người thiệt mạng. Hay chỉ tính một vụ sạt lở ở bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha vào năm 2010 đã có 7 người thiệt mạng. Gần đây nhất -ngày 7/9, cũng do ý thức chủ quan của người dân mà 20 người đã bị vùi lấp trong hàng vạn mét khối đất, đá. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng 20 người dân của hai xã La Pán Tẩn và xã Púng Luông vẫn đi vào suối Trống Páo Sang mót quặng để rồi 18 người ra đi mãi mãi và 2 người thì thương tật suốt đời.
Ông Giàng Chứ Ly – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn kể: “Lợi dụng trời mưa to, rửa trôi đất hở những cục chì kẽm, đã có khoảng gần 30 người dân địa phương đến địa điểm khai thác quặng chì kẽm để mót quặng. Bất ngờ hàng ngàn mét khối đất, đá từ trên núi cao đổ ập xuống vùi lấp 18 người, chỉ còn số ít thoát ra từ đống bùn đất. Mặc dù đã được xã cảnh báo và ký cam kết không đi mót quặng nhưng người dân địa phương vẫn cố tình đi. Và hậu quả đã xảy ra là bài học đắt giá và rất đau lòng…”.
Những vụ việc không mong muốn trên đều do ý thức chủ quan của người dân, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thờ ơ của chính họ đối với những thay đổi bất thường của khí hậu ở vùng cao mà trước đó đã có cảnh báo. Không chỉ thiệt hại về người, bão lũ còn làm thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân trên địa bàn. Mỗi năm tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Đạm – Trưởng Trạm Khí tượng thủy văn Mù Cang Chải cho biết thêm: “Do biến đổi của khí hậu, thời gian tới trên địa bàn vùng cao Mù Cang Chải sẽ có những diễn biến khó lường. Sẽ có tình trạng thiếu nước về mùa khô và thừa nước về mùa mưa nên nguy cơ cháy rừng rất lớn và nguy cơ sạt lở rất cao. Vì vây, người dân địa phương cần nâng cao ý thức chủ động đối phó”.
Hiện nay, Mù Cang Chải đang là mùa mưa, trong khi đó có 208 hộ dân đang sinh sống ở khu vực nguy hiểm có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét. Vì vậy, chính quyền địa phương cần khẩn trương có kế hoạch và di dời dân ra khỏi những vùng có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó cũng cần triển khai thực hiện các hoạt động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, trong đó, người dân đóng vai trò chủ đạo để tự phòng, tránh thiên tai. Đặc biệt, cần làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cũng như công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Thanh Xuân – A Cớ