YBĐT – Các chương trình tín dụng chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với người dân có hoàn cảnh khăn hoặc sống và sản xuất, kinh doanh tại những vùng khó khăn.
Đây được xem là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), thông qua các đoàn thể chính trị, xã hội, đồng vốn tín dụng của Chính phủ còn góp phần quan trọng củng cố, phát triển và nâng cao vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Thấy được vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng chính sách, những năm qua, Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh và các cấp, các ngành có liên quan triển khai hiệu quả các chương trình cho vay như: hộ nghèo sản xuất kinh doanh, nước sạch và vệ sinh môi trường; tạo việc làm; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… với tổng dư nợ hiện nay đạt trên 1.700 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách quý giá đã góp phần giúp hàng vạn hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu, giúp cải thiện môi trường và đời sống người dân, đặc biệt tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Biểu hiện, một số nơi chính quyền cơ sở chưa đề cao vai trò, trách nhiệm, chưa chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong quản lý nguồn vốn; chưa làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân về chính sách tín dụng ưu đãi để người dân hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của đồng vốn chính sách dành cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Trên thực tế, các tổ tiết kiệm và vay vốn có vai trò rất lớn trong việc đưa đồng vốn ưu đãi đến các đối tượng, giúp các đối tượng sử dụng có hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng cho vay sai đối tượng, sử dụng vốn sai mục đích, mất vốn…
Tuy nhiên, tại nhiều nơi, chính quyền cơ sở không nhận thức được vấn đề này, dẫn đến nhiều tổ tiết kiệm và vay vốn rất yếu kém, tình trạng vay ké, vay hộ rồi mất vốn đã diễn ra. Trong khi đó, tại cơ sở, việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn để tạo điều kiện cho hộ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi cũng còn những bất cập. Cá biệt có nơi việc phê duyệt danh sách hộ vay vốn không đúng đối tượng, làm giảm lòng tin của người dân vào chính sách tốt đẹp của Đảng và Chính phủ…
Từ thực tiễn trên, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 11 ngày 15/8/2014 về “Tăng cường công tác quản lý của chính quyền cơ sở đối với các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Yên Bái”. Theo đó, chính quyền cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi cho nhân dân bằng các biện pháp thích hợp; đảm bảo các đối tượng thụ hưởng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi vay vốn, đồng thời đảm bảo tính công khai, dân chủ của tín dụng chính sách; tăng cường sự giám sát nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm; thực hiện việc rà soát và tổng hợp danh sách số hộ có nhu cầu vay vốn trên địa bàn một cách chính xác; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế với các chương trình tín dụng chính sách…
Để làm được việc đó, cùng với sự vào cuộc của hệ thống NHCSXH, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác này. Chỉ khi chính quyền cơ sở thấy được trách nhiệm của mình, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với NHCSXH và các tổ chức chính trị, xã hội thì các chương trình tín dụng chính sách mới được triển khai mạnh mẽ hơn, đồng vốn ưu đãi của Chính phủ mới tiếp tục phát huy được hiệu quả, góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở mỗi địa phương.
Lê Phiên