YBĐT – Theo thống kê gần đây nhất, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 41.600 công nhân viên chức – lao động. Lực lượng này đang giữ vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, công nhân lao động nói riêng và nguồn nhân lực của tỉnh Yên Bái nói chung hiện còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Năm 2010, tỉnh có gần 64% dân số (bằng khoảng 480 ngàn người) trong độ tuổi lao động, trong đó: lực lượng lao động có trên 414 ngàn người. Trong số này chỉ có gần 30% đã qua đào tạo nghề, nhưng quá nửa là trình độ trung cấp và sơ cấp nghề ngắn hạn.
Cụ thể, xem xét số lao động làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh cho thấy, hiện mới chỉ có 1.434/1.761 người (chiếm 81,4%) đã qua đào tạo nhưng cũng chủ yếu là đào tạo ngắn hạn, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư mà đó mới đơn thuần là trình độ chuyên môn, chưa tính đến những đòi hỏi khác như năng lực sáng tạo trong môi trường công nghiệp hóa, tư tưởng chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, tính chủ động, khả năng chịu đựng những áp lực của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường…
Đây là những vấn đề hết sức nan giải đòi hỏi công nhân lao động – những người vốn xuất thân từ lao động phổ thông phải chấp nhận. Trong tình trạng khó khăn của nền kinh tế đất nước cũng như của tỉnh hiện nay, lực lượng công nhân lao động của chúng ta càng bộc lộ những hạn chế, bất cập về trình độ học vấn, chuyên môn tay nghề.
Giải pháp nào để nâng cao trình độ nguồn nhân lực cũng như lực lượng công nhân lao động của tỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Rồi việc cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”?
Giới chuyên môn đã phân tích và đưa ra nhiều giải pháp mang tầm chiến lược với quan điểm phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở phát triển kinh tế – xã hội để đến 2020 chúng ta tiếp cận với nền kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại.
Do đó, phải tập trung các nguồn lực cho đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt của giai cấp công nhân, từng bước trí thức hóa công nhân nhằm tạo lập kỹ năng, kiến thức tay nghề, kinh nghiệm năng lực sáng tạo cho đội ngũ này. Phải chú ý đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia, công nhân lành nghề trên các lĩnh vực.
Đầu tư trang thiết hiện đại cho các cơ sở đào tạo nghề, mở rộng hình thức đào tạo công nhân kỹ thuật để có nhiều công nhân lao động ở các lứa tuổi theo học, đầu tư đưa cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đi bồi dưỡng, đào tạo ở nước ngoài…
Ngoài những giải pháp mang tầm vĩ mô, trước hết, các cấp, các ngành cần coi trọng việc tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của người lao động trong công tác đào tạo nghề, giáo dục công nhân lao động tinh thần tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể, cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt của đơn vị, doanh nghiệp.
Người lao động phải hiểu rằng, học nghề – đào tạo công nhân kỹ thuật không chỉ để giải quyết việc làm trước mắt mà còn là nguồn cho xuất khẩu lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cụ thể là nhu cầu sử dụng lao động trong các khu công nghiệp mở rộng quy mô diện tích đến 1.500 ha vào năm 2015.
Đi đôi với chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề cần có cái nhìn lâu dài nhằm đề xuất những giải pháp đầu tư thiết thực, sát nhu cầu xã hội.
Các doanh nghiệp, các chủ sử dụng lao động nên khắc phục tư tưởng “bóc ngắn cắn dài”, vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua chiến lược phát triển lâu dài để thực hiện tái đầu tư hiệu quả, trong đó có sự đầu tư nâng cao trình độ công nhân lao động và nguồn lực cho tương lai.
Minh Quang