YênBái – YBĐT – Do nguồn điện chính của Yên Bái mua từ Trung Quốc theo tuyến Hà Giang, Lào Cai mà nguồn điện này bị khống chế sản lượng nên Tổng công ty Điện lực I đã phân bổ công suất cao điểm cho Điện lực Yên Bái không quá 36 MW.
Thực tế cho thấy, do nhu cầu sản lượng điện tiêu thụ phục vụ sản xuất và đời sống đã tăng đột biến trong 2 tháng cuối năm 2007. Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Điện lực Yên Bái thì công suất vào giờ cao điểm đã đạt mức trên 40 MW. Nguyên nhân là vào thời điểm cuối năm, các nhà máy, xí nghiệp đều hoạt động hết công suất nhằm hoàn thành kế hoạch năm và đặc biệt, do vào mùa đông trời tối sớm hơn, sáng muộn hơn và trời rét dẫn đến thời gian cần điện thắp sáng dài hơn, các gia đình đều sử dụng bình đun nước nóng…
Trước tình trạng trên, Điện lực Yên Bái đã triển khai ngay biện pháp phân bổ công suất vào trạm 110KV Nghĩa Lộ. Theo đó, tất cả các khách hàng phía Tây sông Hồng dùng nguồn điện chuyển về theo hướng Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái (không bị khống chế công suất). Tuy nhiên, công suất cao điểm vẫn vượt quá mức cho phép khiến Điện Lực Yên Bái phải tiến hành tiết giảm (cắt luân phiên vào giờ cao điểm) một số khu vực ở Trấn Yên và Văn Yên.
Ông Đặng Văn Thanh – Giám đốc Điện lực Yên Bái cho biết: “Bình quân mỗi tháng, sản xuất công nghiệp tiêu thụ khoảng 7 triệu kw điện, trong khi điện cho sinh hoạt và chiếu sáng lên tới gần 10 triệu kw. Với cơ cấu điện chiếu sáng, sinh hoạt lại lớn hơn điện sản xuất công nghiệp nên thực hiện việc tiết kiệm điện là rất khó khăn. Chẳng hạn, các nhà máy chỉ cần hạn chế tối đa sản xuất ca 2, tập trung vào sản xuất ca 3 đã tiết kiệm được khoản tiền đáng kể cho Nhà nước và bản thân doanh nghiệp, trong khi đó việc tiết kiệm điện năng đối với người dân lại hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của họ (chỉ động viên chứ không thể bắt buộc họ phải áp dụng các biện pháp này hay tiết kiệm bằng kia công suất)”.
Tiếp tục thực hiện Công điện số 19 của Chính phủ và Chỉ thị 12 của UBND tỉnh về thực hiện tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô năm 2007, các giải pháp tiết kiệm được thực hiện như sau: đối với các cơ quan, công sở, tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng; tắt các thiết bị điện không cần thiết, tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên; giảm 50% lượng đèn chiếu sáng chung cho hành lang, sân vườn, hàng rào…; dùng quạt thay thế điều hòa… Đối với chiếu sáng công cộng, giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng tại các tuyến phố, quảng trường, công viên. Các đơn vị quản lý chiếu sáng thực hiện bật đèn vào lúc 19 giờ và tắt trước 4 giờ 30 phút hàng ngày.
Đối với việc dùng điện cho sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ, các hộ gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn như điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng và bàn là, đặc biệt vào giờ cao điểm; tắt hẳn nguồn điện đối với các thiết bị không sử dụng, từng bước thay thế bóng đèn sợi đốt bằng bóng compact hoặc huỳnh quang; các cơ sở dịch vụ thương mại cắt giảm ít nhất 50% số đèn dùng cho quảng cáo. Các doanh nghiệp sản xuất thực hiện ngay các giải pháp tiết kiệm điện như: sử dụng điện đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện, không để các thiết bị hoạt động không tải; chuyển sản xuất giờ cao điểm sang sản xuất giờ thấp điểm để hạn chế quá tải công suất cao điểm tối.
Trong thời buổi giá cả leo thang, việc tiết kiệm nói chung là rất cần thiết. Đối với điện năng lại càng phải thực hiện tiết kiệm triệt để vì các doanh nghiệp tiết kiệm điện là tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Với người dân, tiền điện cũng là một món đáng kể trong chi tiêu sinh hoạt. Giảm chi phí, tăng lợi nhuận là một việc rất nên làm và hơn thế nữa, tiết kiệm năng lượng còn mang lợi ích quốc gia, mang tính quốc tế.
Hãy thực hiện việc tiết kiệm điện ngay trong mỗi bếp ăn, phòng ngủ, cơ quan, đơn vị, xưởng sản xuất… nhằm mang lại lợi ích cho đất nước và chính bản thân mình! Nếu không cùng nhau tiết kiệm điện, không giảm được công suất đến mức cho phép thì việc đầu tiên mà mọi người, mọi tập thể phải gánh chịu sẽ là bị cắt điện trong giờ cao điểm.
Lê Phiên