YBĐT – Mặc dù, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thường xuyên được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh; các hoạt động trong Tháng ATGT, Năm ATGT; trong các dịp lễ, tết được tổ chức rầm rộ song tai nạn giao thông vẫn xảy ra.
Thật đau lòng khi liên tục trong những ngày qua, chúng ta phải nghe tin về các vụ tai nan giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn các tỉnh Khánh Hoà, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu làm hàng chục người thương vong. Hầu hết, nguyên nhân của các vụ tai nạn là do lái xe không chú ý quan sát phần đường, đi quá tốc độ quy định, đi lấn phần đường quy định, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao và xe chưa đảm bảo yếu tố an toàn kỹ thuật. Con số thống kê hơn 30 người dân Việt Nam ra đường mỗi ngày không còn cơ hội trở về nhà vì tai nạn giao thông – hơn cả số thường dân thiệt mạng mỗi ngày vì chiến tranh ở các nước Trung Đông – là điều khiến mỗi người đều phải suy nghĩ.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, chỉ trong ba ngày đầu tháng 6, cả nước đã xảy ra 120 vụ tai nạn giao thông làm 144 người thương vong (64 người chết, 80 người bị thương); trong đó, đường bộ 118 vụ, làm chết 61 người, bị thương 80 người (30 vụ va chạm, làm bị thương 20 người), đường sắt 2 vụ, làm chết 3 người.
Tại tỉnh Yên Bái, theo số liệu của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến hết sức phức tạp: toàn tỉnh xảy ra 124 vụ, 21 người chết, 172 người bị thương; so với cùng kỳ giảm 16 vụ, giảm 1 người bị thương nhưng tăng 4 người chết. Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã lập biên bản xử lý trên 4.000 trường hợp vi phạm; phạt tiền trên 1,3 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 169 trường hợp, tạm giữ 17 ô tô, 211 xe mô tô và 43 phương tiện khác.
Mặc dù, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thường xuyên được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh; các hoạt động trong Tháng ATGT, Năm ATGT; trong các dịp lễ, tết được tổ chức rầm rộ song tai nạn giao thông vẫn xảy ra.
Bên cạnh những nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế: phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; chợ lấn đường lấn chiếm hành lang, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán; xe chở hàng cồng kềnh, chở quá tải trọng cho phép; xe hết thời gian đăng kiểm nhưng vẫn lưu thông trên đường thì cơ sở hạ tầng giao thông của cả nước trong đó có Yên Bái vẫn quá nhiều bất cập: mặt đường hư hỏng và xuống cấp nhanh, nhiều điểm cua và độ dốc vượt quá tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép… cũng góp phần khiến tai nạn giao thông ngày một gia tăng.
Trong khi đường sá chưa được cải thiện đáp ứng tiêu chuẩn lưu thông thì việc giảm thiểu tai nạn vẫn trông chờ nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông. Do vậy, mặc dù đã làm song công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông vẫn hết sức cần thiết, phải thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật ATGT của người dân. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm vi phạm.
Cùng với đó, Nhà nước cũng cần tập trung ưu tiên các nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và mở rộng các tuyến đường; lắp đặt đầy đủ các hệ thống biển báo hiệu… để người tham gia giao thông biết và tự giác chấp hành. Mỗi người dân phải nâng cao hơn nữa ý thức khi đi trên đường. Chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông là góp phần xây dựng xã hội an toàn, tránh những thiệt hại không đáng do con người gây ra. Hãy thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông!
Mạnh Cường