YBĐT – Trong đợt mưa lớn kéo dài gần một tuần trong nửa cuối tháng 5 vừa qua, Yên Bái có 3 nạn nhân đều ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên thiệt mạng bởi nguyên nhân đất sạt vùi lấp.
Mấy năm gần đây, năm nào Yên Bái cũng có người chết do sạt lở đất, nhất là sạt lở trong mùa mưa lũ. Năm 2008 là năm Yên Bái có số người chết và mất tích do sạt lở đất và lũ quét cao nhất (48 người), năm 2010 là 14 người trong đó hơn nửa do đất đá vùi lấp; năm 2011 có 9 người chết và mất tích do thiên tai, không ít trường hợp tử vong do đất sạt.
Với địa hình như tỉnh Yên Bái, những vùng nguy cơ cao về sạt đất gần như phổ biến ở tất cả các địa phương. Không ai có thể quên vụ sạt đất nghiêm trọng diễn ra trong một buổi chiều không mưa ở Chế Cu Nha vùi lấp 7 người cách đây 2 năm. Tháng 8/2011, hai cháu bé ở thôn Gốc Nụ (Văn Yên) cũng bị đất vùi cướp đi tính mạng cũng trong lúc trời không mưa.
Tháng 9/2011, vụ sập đất ở thôn Văn Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái cướp đi 2 sinh mạng, làm sập 4 ngôi nhà cũng xảy ra trong lúc trời khô ráo. Rồi vụ sạt đất may mắn không chết người ở một xưởng chế biến gỗ thuộc xã Lương Thịnh (Trấn Yên) cũng vào tháng 9/2011 hay vụ đất đá đổ sập từ taluy cao 50m xuống dãy nhà trọ sinh viên tại tổ 36A, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cuối năm 2011…
Vấn đề là, không ít vụ chết người do sạt đất xảy ra khi người dân đã được cảnh báo, nhắc nhở, thậm chí yêu cầu di dời, không cư trú, canh tác tại khu vực có dấu hiệu mất an toàn.
Tại khu vực đất sạt ở hai thôn Ngòi Đong và thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng gây chết người vừa qua, trước đó cũng phát hiện nhiều vết nứt và một số điểm bị sạt lở nhẹ, khi mưa có nước ngầm chảy ra; sườn dốc, kết cấu đất yếu nên mưa làm đất trượt xuống. Vụ sạt đất ruộng bậc thang ở Chế Cu Nha, chính quyền đã cảnh báo người dân. Vụ sạt đất chết 2 người ở xã Văn Phú, nguy cơ cũng đã được báo trước.
Hậu quả nghiêm trọng, phần vì một số nơi chưa hoàn thành được khu tái định cư cho người dân, phần vì người dân không ý thức được hoặc cố tình nấn ná, chây ỳ. Lý do vì họ đã cư trú và sản xuất ở đó từ đời ông cha, vì thói quen gắn liền với nếp nhà, phong tục. Có trường hợp đã chuyển đến nơi tái định cư rồi lại quay về đất cũ.
Ở đô thị, đất ở thường bám mặt đường, phía sau là taluy cao ngất, đất lại chưa ổn định do quá trình đào bới, xẻ đồi gạt núi, mưa kéo dài, kết cấu đất lỏng rất dễ sạt lở. Thế nhưng ít người có thể rời nhà khi mưa lũ, nhất là những trận mưa kéo dài trong đêm tối.
Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND “Về việc tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão” do UBND tỉnh Yên Bái ban hành ngày 24/05/2012 có yêu cầu các địa phương: Theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến mưa, thông báo cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh; rà soát ngay và kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã duyệt, đặc biệt các khu vực ven sông, suối; các vùng có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất. Và đến thời điểm này, hầu hết các địa phương ở Yên Bái đều triển khai công tác phòng, chống bão lũ năm 2012. Nhiều địa phương đã tổ chức diễn tập phòng chống với mục tiêu: Chủ động phòng tránh, ứng cứu kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân đang trong diện phải di dời khỏi vùng nguy hiểm, trong đó có nguy cơ sạt lở đất cao.
Theo thống kê, Mù Cang Chải có trên 200 hộ cần di dời, huyện Trấn Yên có 500 hộ, Yên Bình 200, thành phố Yên Bái cũng 300 hộ… Trong lúc chúng ta còn thiếu nguồn đầu tư để xây dựng các khu tái định cư thì vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, khả năng phòng ngừa của người dân trước nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa bão cần đặt lên hàng đầu. Làm sao để người dân hiểu rằng, sạt đất là nguy cơ tiềm ẩn, thường xảy ra bất ngờ và hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp đào xả mái taluy trái phép, tự ý san lấp, lấn chiếm dòng chảy, cần có biện pháp cương quyết di dời dân ra khỏi khu vực xung yếu; chính quyền cơ sở cần rà soát, nắm địa bàn để phát hiện và có biện pháp xử lý sớm những nguy cơ tránh hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Minh Quang