YênBái – Mới đây, tại Yên Bái, Cụm thi đua số 1, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Tham nhũng vặt – nhận diện và giải pháp phòng chống”.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng khởi tố 33 vụ, 68 bị can về hành vi tham nhũng. Các địa phương thực hiện 45 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng theo chương trình công tác; trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực công tác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Về phòng chống tham nhũng vặt, Ban Nội chính Tỉnh ủy các tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, kết quả công tác phòng, chống “tham nhũng vặt” còn rất khiêm tốn. Hiện tại, 14 tỉnh phía Bắc mới có Lào Cai và Thái Nguyên phát hiện 2 vụ có hành vi tham nhũng vặt và chuyển cơ quan chức năng xử lý, còn nhiều tỉnh khác báo cáo không phát hiện “tham nhũng vặt”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, không chỉ có tham nhũng lớn, mà “tham nhũng vặt” coi nó như căn bệnh “ghẻ ruồi”, rất khó chịu, phải kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Để chủ động đấu tranh, ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, chỉ đạo của Tỉnh ủy là tiếp tục bám sát nhiệm vụ năm 2019 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu giúp cấp ủy, các cơ quan chuyên trách PCTN nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác đấu tranh PCTN trong tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản về công tác PCTN; bồi dưỡng kiến thức PCTN cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác PCTN; đẩy mạnh việc học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương và vai trò của người đứng đầu càng phải được coi trọng.
Cùng đó, thực hiện nghiêm túc các quy định về PCTN như: công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, người lao động; chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong từng viên chức, người lao động tại đơn vị; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và tham mưu cấp ủy loại ngay khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, rà soát lại quy trình, quy định của Đảng trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, hệ thống chính trị ở cơ sở và toàn xã hội trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác, từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí phải được xem là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Các biện pháp thực hiện tốt trên sẽ góp phần tích cực trong đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần ổn định chính trị và củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, vừa hồng vừa chuyên.
Đức Toàn