YênBái – YBĐT – Là thành viên của Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Yên Bái tích cực hưởng ứng chủ đề Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới năm 2008, trong phạm vi vị trí, chức năng của mình bằng các hoạt động như phối hợp với các cơ quan quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ngày 15/3 hàng năm được Quốc tế chọn là ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới. Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới được kỷ niệm lần đầu tiên vào ngày 15/3/1983. Hai năm sau, ngày 09/4/1985 Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bản hướng dẫn về bảo vệ Người tiêu dùng. Bản hướng dẫn được sửa đổi và bổ sung năm 1999, gồm 69 điều.
Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới là ngày đoàn kết người tiêu dùng trên toàn thế giới nhằm bảo vệ 8 quyền của mình, đấu tranh chống những tiêu cực vi phạm đến quyền của Người tiêu dùng. Tám quyền cơ bản của Người tiêu dùng đã được Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới thừa nhận, đó là:
Quyền được an toàn; Quyền được thông tin; Quyền được lựa chọn; Quyền được lắng nghe; Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản; Quyền được bồi thường; Quyền được giáo dục; Quyền có một môi trường lành mạnh, bền vững.
Năm 2008, Quốc tế người tiêu dùng đề ra chủ đề: “Ngăn chặn việc tiếp thị những thực phẩm có hại cho trẻ em”. Việc ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng chất béo, đường và muối cao cùng với tình trạng ít vận động thể lực đã phát sinh nhiều loại bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư. Chi phí cho việc chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ là rất lớn. Những trẻ em bị bệnh béo phì thì dễ bị gặp các vấn đề về sức khoẻ, theo thống kê trên thế giới có ít nhất 22 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. ở Việt Nam, cùng với việc đời sống được cải thiện, nhiều trẻ em, đặc biệt ở thành thị cũng đang bị bệnh béo phì, vì vậy chúng ta cần hành động để ngăn chặn sự lan tràn của dịch béo phì ở trẻ em.
Năm 2006, một báo cáo của tổ chức y tế thế giới về việc tiếp thị thực phẩm và nước ngọt cho trẻ em đã chỉ rõ rằng việc quảng cáo cho những thực phẩm có hàm lượng chất béo, đường và muối cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em, làm cho chúng thích ăn các đồ ăn trên và dẫn đến bị béo phì. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em thích ăn các loại đồ ăn có đóng gói, có nhãn mác hơn là những loại thức ăn như thế nhưng không đóng gói, dán nhãn mác. ở một số nước, nạn béo phì ở trẻ em đã đến mức báo động, và ở một số nước khác nó đang tiềm ẩn chờ thời điểm bùng phát. Việc ăn uống quá nhiều hoặc ăn uống không cân đối đều là nguyên nhân gây béo phì. Nhiều bằng chứng chỉ rõ, ở những nước nghèo nhất, trẻ em càng dễ bị tác động bởi quảng cáo vì thường quảng cáo hay liên hệ với lối sống hiện đại mà chúng đang khao khát. Thực tế cho thấy trong những năm qua những công ty, tập đoàn xuyên quốc gia đã chi những khoản tiền khổng lồ nhiều tỉ đồng cho quảng cáo các mặt hàng đồ ăn, nước ngọt, bánh kẹo.
Trong nỗ lực chung, quốc tế người tiêu dùng đã có nhiều cố gắng để vận động thông qua một nghị quyết của Hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5 năm 2007 ở Giơnevơ trong đó Tổ chức Y tế thế giới cam kết: Cổ động cho việc tiếp thị có trách nhiệm về thực phẩm và đồ uống không có cồn cho trẻ em. Quốc tế người tiêu dùng và lực lượng đặc nhiệm quốc tế chống béo phì đã thảo ra bộ quy tắc mẫu để Tổ chức Y tế thế giới, các chính phủ và các công ty thực phẩm phê chuẩn. Bộ quy tắc mẫu bao gồm các nguyên tắc:
* Tập trung vào các loại thực phẩm có hại cho sức khoẻ như hàm lượng chất béo, đường và muối cao.
* Tất cả trẻ em, thanh niên và người già đều được bảo vệ như nhau.
* Tất cả các loại quảng cáo, tiếp thị, cổ động đều được quy định.
Đối với nước ta, tình trạng trên cũng đang xảy ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm không an toàn cũng đang đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ và gây bức xúc cho người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh chủ đề do Quốc tế người tiêu dùng đưa ra, Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đề xuất việc: “Lồng ghép thêm nội dung an toàn vệ sinh thực phẩm”, đây là một vấn đề đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của cả cộng đồng.
Là thành viên của Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Yên Bái tích cực hưởng ứng chủ đề Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới năm 2008, trong phạm vi vị trí, chức năng của mình bằng các hoạt động như phối hợp với các cơ quan quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm, nêu các hiện tượng không an toàn thực phẩm, kiến nghị các biện pháp giải quyết, vận động, hướng dẫn cho người tiêu dùng lưu ý đến nội dung thông tin ghi trên nhãn thực phẩm đóng gói. Vận động các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp thực hiện tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động liên quan đến bảo vệ quyền người tiêu dùng.
Lê Đình Đức