YênBái – YBĐT – Thời gian gần đây, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em ở phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái), xã Nà Hẩu (Văn Yên), xã Ngòi A (Văn Yên) … đã gây nhức nhối và bất bình trong xã hội.
Khó có thể đánh giá những hậu quả do việc xâm hại tình dục trẻ em đem lại vì trong nhiều trường hợp, tội ác ấy đã giết hại cả cuộc đời nạn nhân. Việc xâm hại tình dục trẻ em để lại những vết thương không phai mờ trong gia đình và dòng họ nạn nhân, trong ký ức cộng đồng nơi trẻ bị gây hại mà nạn nhân cùng chung sống. Cùng để lại hậu quả lâu dài đến sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ, nạn nhân phải chịu những ấn tượng mặc cảm, tủi nhục. Nhiều em khi bị xâm hại học hành sút kém, phải bỏ học không dám đến trường, không dám tiếp xúc với bạn bè người thân. Một số gia đình vì thương con và đau khổ mà phải bỏ quê hương tìm đến những nơi xa vắng để sống nhằm tìm lại cuộc sống mới cho gia đình và cho con. Vì vậy kinh tế sút kém, gia đình lâm vào cảnh nghèo đói.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua gia tăng do một số bộ phận người lớn và vị thành niên suy thoái về đạo đức, có ham muốn thỏa mãn dục vọng cá nhân thấp hèn, mất nhân tính; thiếu kiến thức về những điều luật pháp cấm hoặc coi thường pháp luật đồng thời lại bị kích thích khi dùng rượu, bia hay xem các ấn phẩm đồi trụy… Do công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em chưa thường xuyên; sự kết hợp quản lí giữa gia đình và xã hội chưa chặt chẽ thiếu đồng bộ; công tác quản lý đối với nhà hàng, khách sạn, văn hóa phẩm có nội dung độc hại… bị buông lỏng; việc điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh; chưa tạo được dư luận xã hội lên án mạnh mẽ hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Bản thân trẻ em chưa thường xuyên được giáo dục đạo đức lối sống, kiến thức về giới tính; chưa biết cách bảo vệ mình, bị đầu độc bởi phim ảnh, ấn phẩm độc hại hay phải lang thang kiếm sống dễ bị lôi kéo; cha mẹ các em thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý; chưa giáo dục thường xuyên về đạo đức, lối sống cho trẻ; thiếu kiến thức và phương pháp giáo dục về giới tính và hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa; khi xảy ra việc trẻ bị xâm hại, chưa kịp thời tố cáo tội phạm, cho qua hoặc giấu kín vì sợ tai tiếng, mặc cảm vô tình tiếp tay cho kẻ xâm hại tình dục trẻ em thoát tội.
Là tương lai đất nước, ngăn chặn không để những tội ác đối với trẻ em chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cần tích cực tham gia cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, xây dựng thôn, xóm văn hóa, gia đình văn hóa. Cần tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu niên đồng thời gây dư luận lên án những hành vi xâm phạm tình dục trẻ em.
Tích cực tham gia tố giác, lên án tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tăng cường phối hợp 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội, cần đưa nội dung giáo dục giới tính vào giảng dạy trong các trường học; tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi phạm tội hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ. Tại các địa phương, tòa án cần thụ lý ngay vụ án sớm đưa ra xét xử để răn đe, giáo dục và cảnh cáo trước dư luận về tội ác này đồng thời cần vận dụng mức phạt cao nhất trong khung hình phạt có liên quan để xử phạt các tội nói trên. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm duyệt các văn hóa phẩm ở trong và ngoài nước; truy quét, thu hồi văn hóa phẩm đồi trụy. Giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất và tinh thần.
Gia đình là tổ ấm là chỗ dựa cho trẻ, vì vậy mọi người trong gia đình nhất là bố mẹ phải xây dựng và giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc; thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho trẻ; hướng dẫn trẻ em đọc sách báo, xem phim ảnh có nội dung lành mạnh, không tiếp xúc với phim ảnh khiêu dâm, bạo lực; gần gũi, trò chuỵên với trẻ, trang bị cho các em kiến thức cơ bản về giới tính, hướng dẫn trẻ em cách tự bảo vệ, chủ động phòng tránh bị xâm hại đồng thời không để trẻ em lang thang, lao động kiếm sống xa gia đình; quản lý không để cho trẻ em một mình ở nơi vắng vẻ, tối tăm, hoặc những người không đáng tin cậy; không để trẻ ăn mặc hở hang và có những cử chỉ khêu gợi, để trẻ gần gũi quá mức với người khác giới; cần cảnh giác với những thủ đoạn: lừa gạt, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc xem tranh ảnh, băng hình khiêu dâm đồi trụy, mời mọc rủ rê dùng chất kích thích hoặc đụng chạm vào chỗ kín trên cơ thể; phải nắm vững những dấu hiệu bất thường của trẻ khi bị xâm hại tình dục như: sinh hoạt không bình thường, thờ ơ với phim ảnh, ca nhạc; trẻ có tiền tiêu và có đồ vật lạ không rõ nguồn gốc; chán học, học sút kém, thường bỏ học; tư lự, bối rối, lo âu, sợ hãi; sống thu mình, ngại giao tiếp, than thân trách phận… để có những biện pháp giải quyết kịp thời.
Minh Bảo