YBĐT – Là tỉnh có diện tích chè rộng lớn, nhưng nhiều năm qua người trồng chè vẫn chưa thực sự sống bằng chè, doanh nghiệp sản xuất chế biến chè cũng gặp không ít khó khăn. Qua tìm hiểu những người tâm huyết với cây chè cho thấy, sản xuất kinh doanh chè đang tồn tại ba vấn đề làm cản trở ngành chè phát triển.
Một là: người làm chè chưa thực sự gắn bó với cây chè. Hai là, doanh nghiệp chế biến chè không xây dựng được chiến lược sản xuất sản phẩm chè. Ba là doanh nghiệp và nông dân chưa có sự gắn kết ràng buộc với nhau.
Đành rằng trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách “ưu ái” cho sản xuất chè, thế nhưng người làm chè lại chưa thực sự gắn bó với chè. Lý giải sự chưa gắn bó với chè là vì người làm chè chưa thực sự sống bằng nghề chè. Diện tích chè lớn, nhưng lại có quá nhiều hộ làm chè dẫn tới hạn điền thấp, bình quân mỗi hộ chưa đầy 1 ha. Với 1 ha chè dẫu có làm tốt, đầu tư thâm canh tốt cũng chỉ đạt 10 tấn/ha/năm, với năng suất đó giá thị trường cũng được 25 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí công đốn chè, làm cỏ, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công thu hái, người nông dân chỉ còn 10 triệu/ha.
Với một hộ gia đình nông thôn bình quân 4 nhân khẩu thì số tiền đó khó có thể trang trải được cuộc sống, do vậy họ phải tranh thủ làm thêm sào ruộng, nuôi con gà, con lợn, luống rau, tranh thủ lên rừng kiếm bó củi, ngọn măng. Như vậy, họ không thể chuyên tâm vào cây chè được, “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” là ở chỗ đó. Doanh nghiệp sản xuất chế biến chè thì chủ yếu là sản xuất chè đen sơ chế, hầu như không có doanh nghiệp nào xây dựng được một chiến lược sản phẩm dài hơi và xây dựng thương hiệu của riêng mình.
Tiềm lực tài chính thì có hạn, vốn kinh doanh chủ yếu là đi vay. Năm 2009, ngành ngân hàng thắt chặt tín dụng, doanh nghiệp chè khốn khó về vốn. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến lạc hậu, sản phẩm đơn điệu, chất lượng kém không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, khó khăn trong tiêu thụ, giá thành thấp. Giá bán chè thấp dẫn tới giá mua nguyên liệu cũng thấp, người làm chè không sống được bằng chè nên không bỏ công, bỏ của để đầu tư chăm sóc dẫn đến chất lượng lượng búp thấp, không đáp ứng cho chế biến. Cái vòng luẩn quẩn đó là nguyên nhân kìm hãm ngành chè phát triển.
Một vấn đề không thể không nói đến, là sự liên doanh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp rất lỏng lẻo, vẫn mạnh ai nấy làm. Có người ví người làm chè và doanh nghiệp chế biến chè dẫu đã sống với nhau nhưng không tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn. Vào vụ sản xuất chè nông dân cứ chủ động làm chè, doanh nghiệp áp giá thu mua bao nhiêu là tuỳ. Người nông dân làm ra chè nguyên liệu, nhưng lại không có quyền quyết định giá bán! Từ đó dẫn đến việc thu hái không đúng phẩm cấp, không đầu tư chăm bón bởi giữa doanh nghiệp và nông dân không có sự giàng buộc nào. Trong khi ai cũng biết nhà máy có sống được, tồn tại được hay không phải gắn với vùng nguyên liệu và ngược lại muốn sản phẩm tiêu thụ tốt thì phải gắn với chế biến. Sự nhùng nhằng đó đã kìm hãm ngành chè phát triển.
Công ty TNHH Chè Thành Công – Văn Chấn là một doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn”, thế nhưng nhờ có chiến lược sản xuất, sản phẩm doanh nghiệp đang làm ăn khá thành công. Cách làm của doanh nghiệp là làm tốt từ vùng nguyên liệu đến chế biến. Không chè đen một tý, chè xanh một tý mà doanh nghiệp tập chung chế biến chè xanh chất lượng cao bán nội tiêu và xuất khẩu. Vùng nguyên liệu của Nhà máy rộng trên 30 ha, nhưng được trồng 100% giống chè nhập nội, sản xuất theo quy trình chè sạch.
Trong chế biến tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm, thu hái đến đâu chế biến luôn đến đó và sử dụng công nghệ vo viên hút chân không. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, được tiêu thụ trong và ngoài nước với giá rất cao. Có những sản phẩm chè có giá cả triệu đồng một kg vẫn được thị trường chấp nhận. Nhờ có chiến lược sản xuất từ vùng nguyên liệu đến chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp đã và đang gặt hái nhiều thành công. Thương hiệu chè Thành Công đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Chu Quốc Tuấn là người có nhiều năm lăn lộn với cây chè Yên Bái, nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn không nghỉ làm chè tâm sự: Sở dĩ doanh nghiệp của ông vẫn đứng vững trong khó khăn, nhất là doanh nghiệp không có một héc-ta nguyên liệu nào mà chủ yếu dựa vào nguyên liệu của dân là do doanh nghiệp thực hiện chiến lược “cộng sinh”. Sự cộng sinh của doanh nghiệp là gắn bó với người dân vùng nguyên liệu bằng việc cùng chia lợi nhuận, cùng có trách nhiệm với nhau xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng.
Ngoài việc ký kết hợp đồng giá sàn thu mua nguyên liệu từ đầu vụ, nhưng khi thị trường tiêu thụ tốt, giá cao doanh nghiệp mua nguyên liệu cao cho dân. Hộ dân nào có nhu cầu cần vốn, phân bón doanh nghiệp cung ứng đầy đủ. Từ đó tạo sự gắn bó, liên kết chặt chè giữa doanh nghiệp với nông dân. Những nơi khác xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu nhưng khu vực doanh nghiệp của ông không có chuyện đó. Ông Tuấn cũng cho rằng, doanh nghiệp làm ăn tốt cũng nên chia lợi nhuận với người dân bằng cách đẩy giá thu mua nguyên liệu lên cao chứ “không nên ăn hết của dân!”.
Rõ ràng trong cơ chế thị trường đầy biến động và mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ đến quá trình sản xuất, kinh doanh, nhưng mỗi doanh nghiệp nên biết xây dựng cho mình chiến lược dài hơi và cộng đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao.
Thanh Phúc