YênBái – YBĐT – Yên Bái vốn là vùng đất chứa đựng một nền văn hoá cổ và vùng đất này lại có rất nhiều tộc người cùng chung sống lâu đời. Điều này cũng có nghĩa là Yên Bái còn có một nền văn hoá dân gian đa sắc thái.
Những giá trị văn hoá ấy, được thể hiện trên các lĩnh vực của đời sống và trở thành nguồn lực vật chất và tinh thần không thể thiếu trong sự vận động phát triển của con người. Tuy vậy, những nét đặc thù văn hoá dân gian của mỗi tộc người ở Yên Bái gần đây đang thể hiện rất rõ nguy cơ bị mai một với một tốc độ khá nhanh. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó thông qua một số đặc trưng văn hoá tiêu biểu như: ngôn ngữ, kiến trúc nhà ở, trang phục và các dạng văn hoá phi vật thể khác như: dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội…đang mờ nhạt dần trong đời sống giới trẻ của nhiều tộc người.
Lớp người được coi là còn nắm bắt được nhiều nét văn hoá của dân tộc mình hầu hết ở lứa tuổi từ bảy mươi trở lên. Tuy nhiên, những người hiểu biết ở mức độ được coi là “Nghệ nhân văn hoá dân gian” thì lại không nhiều. Đồng thời, những nghệ nhân ấy không phải vấn đề gì thuộc văn hoá dân tộc mình họ cũng đều nắm được cả. Chẳng hạn, có những người xưa kia mê nhạc thì họ chỉ hiểu về nhạc; người thuộc dòng dõi làm thầy mo thì hiểu nhiều về nghi lễ; người mê múa hát thì hiểu hơn về múa hát… Nhưng mỗi cá nhân ấy đang là một kho báu về văn hoá dân gian. Song, tập hợp lực lượng này như thế nào để khai thác kho báu mà họ đang giữ và tiến hành bảo tồn, phát triển vốn văn hoá dân gian các tộc người ở Yên Bái đảm bảo tính bền vững và bài bản, khoa học, thiết thực với đời sống thực tế…vẫn là vấn đề hết sức nan giải.
Trong quãng thời gian từ 1995 trở lại đây, tỉnh Yên Bái đã rất tích cực trong công tác sưu tầm bảo tồn và phát triển vốn văn hoá các tộc người. Thông qua công tác bảo tồn, vai trò của các nghệ nhân văn hoá đã được quan tâm đúng mức hơn. Nhờ có họ mà ngành Văn hóa thông tin (VHTT) đã tổ chức thành công nhiều liên hoan nghệ thuật dân gian. Nhiều địa phương đã khôi phục được thiết chế văn hoá tâm linh, hệ thống lễ hội và nhiều làng văn hoá đã sống lại hồn quê truyền thống qua các sinh hoạt văn hoá vật thể, phi vật thể. Chúng ta cũng có những dự án của nước ngoài tài trợ để sưu tầm, bảo tồn những nét văn hoá dân gian của một số tộc người…
Trong quá trình sưu tầm, bảo tồn và phát triển, chúng ta đã tiếp cận được nhiều nghệ nhân văn hoá dân văn hoá dân gian thực sự hiểu biết và có lòng nhiệt tình trong việc giữ gìn vốn cổ như: ông Giàng A Su – người Mông ở Trạm Tấu, ông Lò Văn Biến-người Thái ở Nghĩa Lộ, bà Đặng Thị Thanh-người Xa Phó ở Văn Yên, ông Hoàng Tương Lai-người Tày ở Yên Bình, ông Hoàng Quang Nhạn-người Tày, ông Hoàng Nừng-người Nùng ở Lục Yên…Năm 2004 Bộ VHTT trước đây cũng đã từng phong danh hiệu “Nghệ nhân văn hoá” cho 3 người trong cả nước, trong đó Yên Bái vinh dự có ông Giàng A Su, bà Đặng Thị Thanh và đó cũng là một cách vinh danh và trú trọng đến vai trò của các nghệ nhân văn hoá.
Tuy nhiên, nếu xét một các khách quan thì những nỗ lực của chúng ta từ trước tới giờ trong công tác bảo tồn và phát triển vốn văn hoá dân gian; sự quan tâm tới các nghệ nhân văn hoá vẫn chủ yếu bằng các giải pháp có tính đơn lẻ. Gần đây, trong dịp trò chuyện với ông Hoàng Nừng ở Lục Yên và ông có tâm sự rằng: Văn hoá dân gian giống như khu rừng đầy gỗ quý. Nếu ta bảo tồn nó mà bằng quay phim, bằng phục dựng nghi lễ, lễ hội hoặc viết thành sách, xây dựng các bảo tàng… thì đó là những cách làm rất có ý nghĩa. Thế nhưng, những cách làm ấy cũng chỉ ví như anh sơn tràng vào rừng gỗ quý mà chỉ cầm theo mỗi con dao ra thì biết khi nào mới đốn được nhiều.
Tôi biết những tâm sự giống như ông Hoàng Nừng cũng không phải là hiếm. Nhưng cũng được biết có nhiều ý kiến khá thuyết phục cho rằng, muốn bảo tồn, phát triển được vốn văn hoá thì không có cách nào tốt hơn là nền văn hoá ấy phải tồn tại và phát triển bền vững ngay trong bản thân của mỗi tộc người. Văn hoá dân gian phải được coi không chỉ thuần tuý mang yếu tố văn hoá tinh thần mà phải xác định nó như một tiềm năng kinh tế và trước hết là kinh tế thương mại, du lịch. Nếu làm được như vậy, trong khi vốn văn hoá các tộc người đang có sự mai một, thì vai trò của các nghệ nhân văn hoá càng trở nên hết sức quan trọng. Đồng thời, nếu bảo tồn theo hướng này thì yếu tố xã hội hoá phải được đặt lên hàng đầu và xã hội hoá ngay từ vai trò của chủ nhân văn hoá mỗi tộc người cho đến vai trò của người nghệ nhân văn hoá.
Thiển nghĩ, trong mấy năm nay, tỉnh Yên Bái mới có hai người được phong “Nghệ nhân văn hoá” thì liệu có quá ít không? Tiêu chuẩn để phong nghệ nhân có khắt khe quá không? Và công tác này liệu đã được quan tâm đúng mức hay chưa? Ta đã xác định được lực lượng nghệ nhân trong các tộc người ở Yên Bái hay chưa? Khi làm một việc gì lớn, chúng ta thường có thói quen suy nghĩ rằng “cần có lộ trình” hoặc nói một cách khác “cần có thời gian và giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn”. Điều đó hoàn toàn đúng! Nhưng với các nghệ nhân văn hoá-đối tượng đang giữ trong mình kho tàng văn hoá dân gian, đều là thế hệ người cao tuổi thì chắc chắn họ không thể lệ thuộc vào điều kiện thời gian.
Vì vậy, nếu văn hoá dân gian luôn được coi là yếu tố tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người; là sức mạnh cấu kết quan hệ cộng đồng; là tiềm năng nâng cao đời sống kinh tế-xã hội trong hiện tại và tương lai…thì đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp tốt nhất để tranh thủ vai trò của nghệ nhân văn hoá trong bảo tồn phát triển các giá trị văn hoá từ ngàn xưa truyền lại.
Hoàng Nhâm