YBĐT – Không ít người trong ngành y dược nhận định: thời điểm hiện tại, giá thuốc BHYT cao hơn ít nhất 25 đến 30% giá thuốc trên thị trường. Các nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau là những mặt hàng có sự chênh lệch lớn nhất. Nếu như thế thì mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm số tiền mà các bệnh nhân là đối tượng BHYT phải nộp thêm là không nhỏ, đặc biệt số tiền bị “móc” khỏi quỹ BHYT là những con số khổng lồ.
Đã từ rất lâu tại các bệnh viện vẫn tồn tại những nghịch lý lớn, đó là giá thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) quá cao so với thị trường. Nghịch lý ở chỗ, giá thuốc chữa bệnh hiện nay được xây dựng từ cuối năm 2008 và áp dụng 2009 cho đến nay, do cả một hội đồng tiến hành khảo sát, điều tra, so sánh, xây dựng và tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp (công tác đấu thầu với nhiều thủ tục và quy định nghiêm ngặt) nhưng giá thuốc vẫn cao hơn giá trên thị trường hiện nay. Trong khi ai cũng biết rằng, từ năm 2008 đến nay, giá cả liên tục leo thang và thuốc chữa bệnh là mặt hàng leo thang mạnh nhất, nhưng thật tiếc, giá thuốc bán tự do ngoài thị trường vẫn chưa đuổi kịp giá thuốc BHYT!
Để tìm hiểu về sự chênh lệch giữa giá thuốc BHYT và giá thuốc ngoài thị trường, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó giám đốc Sở Y tế. Ông Tuấn nói rằng: “Không có chuyện giá thuốc bảo hiểm quá cao so với giá thị trường! Có chăng cũng chỉ là giá một số loại thuốc nào đó! Cũng không nên so sánh một cách giản đơn vì cùng một mặt hàng, cùng một tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng mỗi hãng dược giá mỗi khác, có khi cùng nhà sản xuất nhưng mỗi lô sản xuất, giá lại khác nhau”. Chúng tôi chưa thật sự thoả mãn với câu trả lời của lãnh đạo ngành y tế, vì như đã phân tích ở trên (giá thuốc được xác lập một lần từ cuối năm 2008, để áp dụng cho năm 2009 và kéo dài sang năm 2010). Hơn nữa, không chỉ có một vài mặt hàng thuốc BHYT có giá cao hơn giá thị trường mà phải nói là phần lớn các loại thuốc!
Không có điều kiện để kiểm tra, so sánh hơn 500 mặt hàng dược được đấu thầu trong danh mục thuốc bảo hiểm, chúng tôi tiến hành tìm hiểu một số loại thuốc thông thường, dùng phổ biến hiện nay tại các bệnh viện và tất nhiên số lượng là không nhỏ. Mặt hàng thuốc kháng sinh (viên) như Amoxicilli 500 mg, BHYT loại thấp nhất là 1350 đồng/viên, loại cao nhất là 1900 đồng/viên và hỏi giá một nhà thuốc tại phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) thì giá chỉ có 600 đồng/viên (hãng dược Tiphaco); loại đắt (của Công ty Dược TW1) giá cũng chỉ 750 đồng/viên, như vậy giá thuốc BHYT đã cao hơn từ 2 đến 3 lần giá cả thị trường.
Mở rộng thông tin, chúng tôi truy cập vào trang thông tin của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế thì được biết, giá thuốc Amoxicilli 500 mg thầu năm 2009 của các hãng Donesco hay Minh Dân giá chưa đầy 600 đồng/viên. Cephotaxime là loại thuốc kháng sinh tiêm, được dùng khá phổ biến hiện nay, nhưng giá thuốc có nguồn gốc nhập khẩu từ Ấn Độ đang bán tại rất nhiều cửa hàng dược ở thành phố Yên Bái chỉ là 10.000 đồng thì giá thuốc BHYT lại là 17.500 đồng. Giá thuốc chênh lệch khiến cả những người trong ngành y tế phải lên tiếng.
Bác sỹ Vũ Thị Mùi – Giám đốc Trung tâm Nội tiết cho biết: “Quý I/2010, Trung tâm Nội tiết quyết toán gần 1 tỷ đồng tiền BHYT thì tiền thuốc đã lên đến trên 700 triệu đồng. Vậy là, tiền thuốc “nuốt” gần hết quỹ bảo hiểm chúng tôi tình cờ gặp người nhà của bệnh nhân Hoàng Thị Thu Huyền ở Chấn Thịnh (Văn Chấn) đi thanh toán viện phí cho bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với số tiền 380.000 đồng (bệnh nhân Huyền là đối tượng BHYT).
Trong các khoản phải nộp, có tiền thuốc Sentram với giá 41.000 đồng/ống. Chúng tôi sang ngay nhà thuốc gần cổng Bệnh viện thì nhân viên bán hàng trả lời rằng: “Thuốc này không có, muốn biết giá thì gặp bác sỹ Nhung, có phòng mạch tư, chuyên khám nhi và giá thuốc này dao động từ 23.000 đến 25.000 đồng/ống. Sang một nhà thuốc gần đó thì nhân viên bán hàng cho biết: “Thuốc đó có bán, giá 15.000đ/ống”.
Giám đốc Bệnh viện huyện Yên Bình là ông Trịnh Vi Tuấn nói: “Tôi vừa làm giám đốc, vừa có phòng mạch ở nhà nên tôi biết, giá thuốc bảo hiểm là quá cao so với thị trường. Còn vì sao nó cao thì tôi không thể bình luận”. Không ít người trong ngành y dược nhận định: thời điểm hiện tại, giá thuốc BHYT cao hơn ít nhất 25 đến 30% giá thuốc trên thị trường. Các nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau là những mặt hàng có sự chênh lệch lớn nhất. Nếu như thế thì mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm số tiền mà các bệnh nhân là đối tượng BHYT phải nộp thêm là không nhỏ, đặc biệt số tiền bị “móc” khỏi quỹ BHYT là những con số khổng lồ.
Được biết, ngành y tế và các ngành chức năng đang tiến hành tổ chức đấu thầu thuốc BHYT cho năm 2010 theo quyết định của UBND tỉnh. Không biết phương pháp tổ chức như thế nào? Liệu giá thuốc có ngang bằng hay thấp hơn giá thị trường hay không? Điều quan trọng là xây dựng được giá sàn một cách hợp lý, sát thị trường, chỉ có vậy mới tránh được những tiêu cực như “quây thầu”, “móc ngoặc, làm giá” để “móc túi” người bệnh, để “đâm thủng” quỹ BHYT.
Lê Phiên