YBĐT – Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần và vấn đề an toàn thực phẩm lại trở thành chủ đề “nóng” được nhiều người quan tâm.
Đây là dịp người dân tiêu thụ nhiều thực phẩm nhất và cũng là lúc các cơ sở chế biến thực phẩm tăng cường năng lực sản xuất và các cơ sở kinh doanh tiêu thụ thực phẩm cũng ra sức tranh thủ thời gian để tập trung nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm dịp tết luôn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng bởi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn sẵn sàng chờ tết đến để “bùng phát”, nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng của người dân. Vì vậy, cứ vào những tháng áp tết, công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được tăng cường thường xuyên bằng nhiều giải pháp, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn và qua nhiều kênh thông tin.
Việc tuyên truyền cần đi sâu vào phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; nguyên nhân và cách nhận biết các nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, cách xử lý tình huống khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm; cung cấp thông tin đầy đủ về các cơ sở điển hình trong chế biến, kinh doanh thực phẩm có uy tín chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, cũng cần thông tin đầy đủ các cơ sở đã từng bị xử lý vi phạm và cảnh báo đối với các mặt hàng thực phẩm, phụ gia chế biến, hoá chất trong sản xuất rau quả và các loại thực phẩm có nguy cơ hoặc đã có cơ sở khẳng định không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối tượng tập trung tuyên truyền là những người có vai trò quản lý, điều hành các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, người tiêu dùng. Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp và không đồng đều, kinh tế khó khăn, khí hậu ẩm thấp thì việc tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm phải đi sâu phân tích cách bảo quản thực phẩm, các loại thực phẩm dễ gây mất an toàn, vệ sinh do tác động xấu của thời tiết. Người dân cần cảnh giác việc gian thương lợi dụng đời sống của bà con ở nhiều vùng còn khó khăn để đưa các loại thực phẩm rẻ tiền không bảo đảm an toàn về tiêu thụ.
Đi đôi với tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần chủ động, tích cực đưa Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (được ban hành từ năm 2010) vào đời sống thực tế ở cơ sở.
Trong đó, tập trung đi sâu vào việc vận động, triển khai ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, các điểm kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trong dịp cao điểm tết Nguyên đán cũng như ngày thường. Các hoạt động liên quan đến kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm như: thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm… cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc; khi đã phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm và xử lý ngay theo quy định của pháp luật,có thông báo kịp thời để nhân dân được nắm rõ thông tin nhằm cách phòng ngừa tốt nhất.
H.N