YênBái – YBĐT-Đã qua rồi cái thời sản xuất nông-lâm nghiệp, canh tác chỉ biết dựa vào kinh nghiệm và phó mặc cho ông trời. Ngày nay khoa học kỹ thuật đã hiện diện ngay trên đồng ruộng, thì tính chuyên nghiệp trong canh tác nông-lâm nghiệp cũng cần được chú trọng một cách đặc biệt.
Đã làm nghề nông chắc chắn ai cũng biết “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta đưa ra lịch thời vụ áp dụng với từng vùng, từng ngày, từng thời điểm, cũng như đưa ra cơ cấu giống cây trồng, thế rồi vùng khí hậu, thổ nhưỡng đất đai cho từng mùa, từng giống cây. Đó là kết quả kết tinh qua nhiều năm nghiên cứu, thí nghiệm của các nhà khoa học.
Nhiều bà con nông dân vẫn cho rằng, trước đây ông bà họ có khoa học khoa hẽo gì đâu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm “gia truyền” là chính, vậy mà vẫn cho thu hoạch đấy thôi. Những lý giải đó quả không sai, nhưng sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm không mang lại hiệu quả cao bằng áp dụng khoa học được. Một ví dụ điển hình là năng suất lúa ngày một cao thậm chí cao gấp đôi, gấp ba so với những năm 80 của thế kỷ trước, bình quân lương thực đầu người ngày càng cao, số hộ đói, nghèo ngày một giảm. Rồi đến những giống lúa, ngô, chè, sắn… ngày một tốt hơn, kháng chịu sâu bệnh, mức đầu tư chăm sóc thấp mà vẫn đạt năng suất cao.
Khoa học kỹ thuật tốt là thế, hiệu quả là vậy, ấy thế mà vẫn có nhiều hộ nông dân ngày nay vẫn cứ dựa vào kinh nghiệm, bất chấp khuyến cáo của các nhà khoa học. Bằng chứng rõ nhất là vụ đông năm 2007-2008, rất nhiều hộ dân ở Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên… gieo trồng ngô đông muộn so với lịch của ngành nông nghiệp tới 15-20 ngày. Những năm trước thời tiết thuận lợi vẫn cho thu hoạch tuy năng suất không cao, nhưng những tháng đầu năm 2008 này thời tiết bất lợi, rét đậm, rét hại kéo dài làm cho hàng chục ha ngô đông không cho thu hoạch. Trên cánh đồng xã Vĩnh Kiên, Bạch Hà (huyện Yên Bình) có hàng chục ha ngô phải chặt bỏ làm thức ăn cho trâu, bò.
Một minh chứng rõ nhất là vụ xuân 2008, bà con nông dân các huyện thị từ vùng thấp đến vùng cao gieo cấy lúa xuân trước tết nguyên đán, khi gặp thời tiết rét lúa chết hàng loạt. Đành rằng thời tiết những ngày đầu năm rất bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng nếu bà con tuân thủ theo lịch gieo cấy, đừng dựa vào “kinh nghiệm” thì mức độ thiệt hại sẽ thấp hơn rất nhiều so với trên 10 ngàn ha lúa mạ bị chết phải gieo cay lại. Một minh chứng nữa cho việc không áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất là khi chăn nuôi trâu, bò… không làm chuồng trại nhốt mà cứ thả rông trên rừng, khi trời rét gia đình mới tá hoả đi tìm về nhưng đã quá muộn, chúng đã chết, có con đã thối rữa. Toàn tỉnh có trên 7 ngàn con trâu, bò bị chết, ước thiệt hại trên 60 tỷ đồng. Chính do không áp dụng khoa học, khuyến cáo của các ngành chức năng đã gây thiệt hại rất lớn cho bà con nông dân.
Cái rét đã qua đi nhưng hậu quả để lại thật nặng nề, nhiều hộ nông dân vốn đã nghèo nay càng nghèo hơn. Chỉ tính riêng nguồn hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh cho thiệt hại lúa, mạ, trâu, bò chết rét cũng trên 22.161 tỷ đồng. Là một tỉnh có 80% dân số là nông dân, cuộc sống chủ yếu dựa vào hạt lúa củ khoai, vậy mà mức thiệt hại lên đến cả trăm tỷ đồng.
Trong khi làm ra hạt lúa, củ khoai phải cõng trên lưng đủ thứ, từ cái ăn hàng ngày, nuôi con cái học hành, ma chay, cưới xin. Giờ trâu, bò chết, lúa mạ chết, hạt lúa chỉ cõng mỗi cái ăn còn không đủ, thử hỏi những sinh hoạt khác lấy gì bù đắp đây. Khi trâu chết, lúa, mạ chết nhiều nông dân bần thần nói: “Giá mà nghe lời người ta khuyến cáo, giá mà áp dụng nghiêm ngặt lịch gieo cấy, nuôi gia súc làm chuồng trại hẳn hoi thì đâu đến nỗi!”.
Tính chuyên nghiệp trong nhà nông đâu chỉ là cấy giống gì, bón phân bao nhiêu, thời điểm nào, phun bao nhiêu thuốc… mà còn phải biết gieo cấy vào thời điểm nào mới thắng được ông trời!
Thanh Phúc