YênBái – YBĐT – Ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thường có địa hình phức tạp, địa bàn rộng, giao thông kém phát triển, dân cư phân bố thiếu tập trung, nhiều thôn bản cách trường hàng chục kilômét, lại bị địa hình đồi núi, khe suối chia cắt khiến học sinh gặp nhiều khó khăn khi đến trường nhất là mùa mưa lũ.
Mặt khác, đời sống của người dân vùng cao còn nghèo khó, phụ thuộc vào nương rẫy, nhiều gia đình còn phải huy động cả nhân lực tuổi học trò. Thậm chí, có địa phương do phong tục lạc hậu khi có ma chay cưới xin cả bản nghỉ tới 2, 3 ngày. Đó chính là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động và cũng là lý do nghỉ học, bỏ học của học sinh vùng cao. Chính vì vậy, nhiều năm qua, mô hình nội trú đã tỏ ra phù hợp với nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Với mô hình nội trú dân nuôi, học sinh được ở tập trung tại trường hoặc gần trường, không phải đi lại xa, không bị chi phối bởi thời tiết và hoàn cảnh gia đình… các em có thời gian tập trung cho học tập nhiều hơn. Ở nội trú dân nuôi, các em có điều kiện sinh hoạt tập thể, giao lưu với thầy cô, bạn bè… môi trường giáo dục giúp khả năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, nhất là đối với các em ở tiểu học, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống và sinh hoạt.
Trong môi trường nội trú, các thầy cô giáo còn chủ động bố trí thời gian phụ đạo, giúp đỡ các em trong học tập. Một yếu tố quan trọng nữa là các em có điều kiện khai thác, sử dụng có hiệu quả sách giáo khoa, tài liệu trong thư viện cũng như các thiết bị, thí nghiệm dùng chung của nhà trường. Các em ở trong môi trường tập thể còn được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ… dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, tạo không khí vui tươi, lành mạnh làm cho các em thêm yêu trường, yêu lớp, tích cực chăm chỉ học tập hơn.
Có thể nói, mô hình nội trú dân nuôi góp phần vào việc huy động số trẻ ra lớp, giảm tỷ lệ bỏ học, nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao. Mô hình nội trú dân nuôi còn làm giảm các lớp ghép ở các điểm lẻ tại các xã và thôn bản vùng cao, từ đó chất lượng các lớp ghép được cải thiện. Ở phạm vi nào đó, mô hình nội trú dân nuôi cũng chính là mô hình xã hội hoá giáo dục. Nhà nước và nhân dân cùng tham gia làm công tác giáo dục: chính quyền và hội cha mẹ đóng góp ngày công,vật liệu xây dựng nhà nội trú cho các em, cha mẹ góp gạo nuôi con đi học…, Nhà nước đầu tư thầy cô giáo, cơ sở vật chất thiết bị học tập, sách giáo khoa…
Thực tế đã khẳng định, mô hình nội trú dân nuôi là một loại hình đào tạo, là một giải pháp tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực cho giáo dục ở vùng cao, vùng dân tộc. Vì vậy, cần phải được tiếp tục phát huy và nhân rộng để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục vùng cao. Song, hiện nay, điều kiện ăn ở của học sinh ở nội trú dân nuôi nhìn chung còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là thời điểm giáp hạt. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, cần có thêm những sự hỗ trợ đối với giáo viên và học sinh ở loại trường này như phụ cấp bán trú, nhà ở, hỗ trợ xây dựng bếp ăn, công trình vệ sinh, hay trợ cấp lương thực cho các em trong những tháng giáp hạt đối với những gia đình thiếu đói… để các em có thêm điều kiện học tập tốt, phát huy tối đa ưu thế của mô hình nội trú dân nuôi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao.
An Thi