YênBái – YBĐT – Việc giải quyết hậu quả sau “cái chết” của sông Thị Vải (tháng 9 năm 2008) chưa thôi, khiến các nhà chức trách và người dân tỉnh Đồng Nai ngày đêm trăn trở, hôm nay trở về xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, chúng ta lại không khỏi đau lòng khi thấy dòng sông Hồng cũng đang “nghẹn ngào kêu cứu”.
Đến cầu Khai xã Đông Cuông, cách Nhà máy chế biến sắn thuộc Công ty cổ phần Chế biến nông lâm sản thực phẩm Yên Bái hơn 1km, trong không khí đặc sệt một thứ mùi hôi thối đến nôn người. Càng lại gần phía Nhà máy càng cảm thấy khó thở hơn, mặc dù tôi đã bịt khẩu trang rất kỹ nhưng cảm giác mùi thối kia vẫn cứ lao thẳng vào phổi. Thứ mùi “đặc biệt” này toả ra từ những bể chất thải của Nhà máy chế biến sắn.
Nằm “tơ hơ” giữa trưa tháng 3 chang chang nắng, nổi lềnh bềnh trên mặt “bể xử lý chất thải” là những lớp váng nhầy nhụa, đen, đặc quện, toả ra xung quanh thứ mùi “đặc biệt” này. Dẫn ra phía sau bức tường thành bao quanh Nhà máy là đường ống dẫn nước thải từ “bể xử lý” đó xuống năm ao lắng. Tuy đã qua xử lý nhưng nước chảy xuống ao lắng thứ nhất vẫn có màu vàng đục, nhầy nhầy. Sau khi lắng cặn, nước thải tiếp tục chảy xuống ao lắng thứ hai, cứ như thế cho đến ao cuối cùng. Tại ao này có sử dụng một hệ thống lọc sinh học của cây bèo tây, một công nhân của Nhà máy cho biết thế, thực tế khi nhìn xuống ao tôi không còn nhận ra đâu là bèo tây, đâu là chất thải nữa. Bởi tất cả đều duy nhất một màu đen đặc và tất cả đều chung thứ mùi khó thở đó.
Ngày nay, người ta thường sử dụng “công nghệ bèo tây” vào quy trình xử lý chất thải, bởi rễ của cây này có tác dụng lọc nước, giữ lại những kim loại nặng và góp phần hấp thụ chất hữu cơ (chất thải) còn sót lại sau quá trình xử lý. Nhưng đến với ao lắng cặn của Nhà máy sắn, không hiểu vì sao bèo tây lại không thể sống nổi trong môi trường nước thải “đã qua xử lý” này mặc dù đây đã là công đoạn cuối cùng trong quá trình xử lý nước thải của Nhà máy?
Chúng tôi đến đây đúng vào vụ chế biến chính (tháng 10 đến tháng 4 hàng năm), nên Nhà máy luôn hoạt động với công suất lớn, trung bình chế biến khoảng gần 300 tấn sắn tươi một ngày. Như thế có nghĩa là mỗi ngày Nhà máy thải ra gần 900m3 nước thải, nhưng chỉ với dung lượng của 5 ao lắng! Theo người dân xã Đông Cuông, cứ khoảng nửa tháng Nhà máy lại thải nước xuống sông Hồng một lần. Mỗi lần như thế bà con lại có dịp đi vớt cá sông. Mặc dù vào những ngày đó, nước sông chuyển màu vàng đục, nhớt và rất ngứa nhưng không mấy ai muốn bỏ qua cơ hội vớt được những con cá to, có khi đến cả hai cân mà không phải mất công sức gì, vì chúng đã đều chết nổi bụng hàng loạt trên mặt sông.
Tại sao nước thải “đã qua xử lý” của Nhà máy lại dẫn đến cái chết “bí ẩn” đó của những đàn cá thì chỉ có dòng sông mới trả lời được. Bởi người dân ở đây không ai muốn lên tiếng vì những đồi sắn của họ đang trông chờ cả vào Nhà máy, vì miếng cơm manh áo mà họ đành chấp nhận sống chung với thứ mùi không dễ gì chịu nổi ấy. Tuy Nhà máy sắn mỗi năm chỉ làm việc khoảng 5 tháng (vào vụ sắn chính), nhưng mùi nước thải quanh năm vẫn bao trùm lên toàn bộ khu vực này, bởi sau sản xuất những cặn bã còn sót lại và tiếp tục… bốc mùi.
Từ Nhà máy sắn Văn Yên, tôi theo dọc bờ sông Hồng để trở về xuôi, dòng nước lại dẫn tôi đi qua các nhà máy chế biến giấy đế, bột giấy của huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên, cùng các nhà máy giấy đế khác của thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình cũng lại thấy một màu vàng đục, nồng nặc mùi “nặng nề” chảy trên những khúc sông Hồng phía sau các nhà máy. Dòng nước mang màu chất thải này muốn nói lên điều gì vậy? Có ai dám chắc rằng nguồn nước từ những nhà máy giấy đó khi thải ra sông Hồng đều đã qua xử lý. Lại thêm nguồn nước thải từ các khu dân cư dồn cả ra sông. Và cũng không ít rác thải sinh hoạt do người dân vô ý thức ném xuống sông Hồng, nên dưới ánh nắng chiều yếu ớt, dòng sông mùa nước cạn “hổn hển” trôi. Nhớ đến “cái chết” của sông Thị Vải, càng khiến tôi thêm lo ngại cho số phận của sông Hồng hôm nay vì qua địa phận Yên Bái về xuôi, sông Hồng còn đi qua hàng loạt tỉnh khác và nó tiếp tục phải “cõng” thêm không biết bao nhiêu là chất thải.
Nguyễn Tươi
Đầu tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số ki-lô-mét sử dụng.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Yên Bái.
Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng, cả nước nói chung phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng hội nhập để làm chủ công nghệ số, cuộc sống số, xã hội số, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Năm 2023, tỉnh Yên Bái phấn đấu tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đạt tối thiểu 27,5%; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT vào học GDNN đạt tối thiểu 44,6%.