YênBái – YBĐT – Chính sách giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) vay vốn phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, phong trào thanh niên lập nghiệp đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình, xây dựng làng bản, quê hương ngày một no ấm. Tuy nhiên với những ĐVTN vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc vay vốn như thế nào, vay ra làm sao và mức tối đa là bao nhiêu vẫn luôn là những vấn đề bức bách.
Sùng Tồng Plua ở thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh là bí thư chi đoàn kiêm công an viên, lại học cao hiểu biết nhiều, cũng là thanh niên tiến bộ nhất nhì của xã trong việc mạnh dạn dám nghĩ dám làm. Mô hình nuôi ếch của PLua là 1 trong 9 mô hình kinh tế tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội đoàn toàn tỉnh lần thứ XII, mô hình này được nhiều người học tập.
Để có được cơ ngơi như hôm nay PLua đã phải vất vả chạy đôn chạy đáo mới vay được vốn để phát triển kinh tế. Theo chủ trương của tỉnh, Plua cùng gia đình hạ sơn về định cư ở Đồng Hẻo từ những năm1993, học xong PTTH rồi tham gia công tác đoàn, lập gia đình ra ở riêng. Với mong muốn thoát nghèo, Plua đã làm thủ tục vay vốn thông qua BCH đoàn cơ sở, sau khi được bình xét vay vốn, cộng với số tiền vay mượn vốn liếng anh em bạn bè Plua có được gần 7 triệu đồng tiền mặt. Với số tiền đó chỉ đủ để PLua mua được 50 con ếch giống, còn để cải tạo diện tích 300 mét vuông ao nuôi Plua phải đổi công lao động và tự cải tạo lấy.
Qua một năm thấy hiệu quả Plua có ý định mở rộng quy mô chăn nuôi với nhu cầu vay khoảng 20 triệu đồng, nhu cầu lớn song về phía cơ sở và huyện đoàn không thể giải quyết được cho PLua bởi nguồn vốn tạo việc làm cho ĐVTN quá ít, muốn vay phải thông qua các tổ chức hội khác như nông dân, phụ nữ, hơn nữa phải có tài sản thế chấp. Do vậy Plua phải nhờ bố đẻ và anh trai đứng ra thế chấp nhà cửa để vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Văn Chấn.
Đó chỉ là một trong số không nhiều thành công của thanh niên trong phong trào phát triển kinh tế dám nghĩ dám làm. Còn đối với các mô hình khác thì hầu như không hiệu quả bởi thiếu vốn đầu tư. Phát triển kinh tế ở vùng thấp đã khó, thế nhưng phát triển kinh tế ở vùng cao trong ĐVTN lại càng khó hơn nhiều.
Tại xã Nậm Mười, một xã vùng 3 khó khăn của huyện Văn Chấn, với trên 98% là đồng bào Dao. Có đất, có sức người nhưng những ĐVTN nơi đây cùng gặp phải một thực trạng tương tự: thiếu vốn để phát triển kinh tế. Muốn vay phải thông qua các tổ chức hội sau đó đợi bình xét, hơn nữa mọt thủ tục cần thiết vẫn là phải có tài sản thể chấp trong khi giá trị tài sản thế chấp của những ĐVTN không đảm bảo vay lượng vốn lớn. Do vậy trong tổng số 215 ĐVTN xã nậm Mười thì tỷ lệ ĐVTN nghèo chiếm tới trên 80%.
Đồng chí Bùi Hữu Tiến – Bí thư huyện đoàn Văn Chấn cho biết: Một năm, nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp từ vốn 120 cấp cho huyện đoàn để giải quyết nhu cầu xoá đói giảm nghèo chỉ đợc hơn 1 tỷ đồng. Nếu đem chia đều cho 56 cơ sở đoàn và 33.000 ĐVTN thì mỗi ĐVTN chỉ được vay chưa đầy 400 ngàn đồng/ năm. Nếu với giá cả như hiện nay, để mua cây giống phát triển kinh tế cũng chưa thể làm được điều gì cho đáng đồng tiền bát gạo, chưa kể đến chuyện hao hụt trong trồng cấy, chăn nuôi thì hiệu quả thu về có lẽ sẽ chẳng đáng là bao”.
Cũng như Văn Chấn thì ở Mù Cang Chải, ĐVTN xã Khao Mang cũng có nguyện vọng thiết tha được vay vốn phát triển kinh tế nhưng các thủ tục cũng như chính sách còn khó khăn nên nguyện vọng bứt phá làm giàu của 115 ĐVTN trong xã vẫn chỉ là những nguyện vọng còn ấp ủ.
Để tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, những năm gần đây phong trào 4 mới (ngành nghề mới, thị trường mới, kỹ thuật mới, mô hình mới) đã được triển khai tới tất cả các cơ sở đoàn trong tỉnh, song theo đánh giá ban đầu hiệu quả của các mô hình chưa cao. Qua khảo sát thực tế, hầu hết các mô hình vẫn chỉ mang tính chất tự phát, sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đơn cử như mô hình dệt thổ cẩm, đệm bông lau của ĐVTN thị xã Nghĩa Lộ, mô hình nuôi nhím của ĐVTN thị trấn Trạm Tấu… hầu hết vẫn chỉ là tiêu thụ nhỏ lẻ, chưa tìm được thị trường đầu ra hoặc mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, phong phú phù hợp với thị hiếu khách hàng. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề vẫn là thiếu vốn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường và mở rộng ngành nghề sản xuất.
Thanh niên, sức trẻ là lực lượng nòng cốt trong các phong trào trong xây dựng phát triển quê hương đất nước. Song để lực lượng ấy thật sự phát huy được vai trò, sức mạnh trong công cuộc mới, thiết nghĩ cần có một cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là thanh niên vùng cao được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi vươn lên phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, xây dựng làng bản no ấm.
Lê Thanh