YênBái – YBĐT – 6 người đã tử vong và trên 579 ca phải tiêm phòng trong những tháng qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh dại. Sau nhiều cố gắng của các ngành chức năng, các cấp chính quyền cũng như người dân, những tưởng bệnh dại chỉ còn là trong dĩ vãng, vậy mà hôm nay nỗi lo về căn bệnh này lại trở về ám ảnh…
Hai trường hợp tử vong đầu tiên là chị Nguyễn Thu Hiền, 34 tuổi và anh Hoàng Quốc Hùng, 33 tuổi ở thôn Sơn Trung xã Mai Sơn (Lục Yên). Cả hai người khi bệnh phát cơn mới biết bị dại, được đưa đến trung tâm y tế thì mọi việc đã muộn. Nỗi bàng hoàng của người dân Mai Sơn chưa lắng xuống thì chỉ sau ít ngày, một cháu nhỏ ở xã Mường Lai cũng phát cơn dại, và khi phát hiện ra thì mọi việc cũng đã không thể cứu vãn.
Từ những trường hợp tử vong trên, người dân Lục Yên tiếp xúc với chó ốm hay bị chó cắn mới lũ lượt kéo nhau đi tiêm phòng. Thật may, chỉ có thêm một ca mắc dại không kịp tiêm phòng, do vậy số nạn nhân ở Lục Yên chỉ mới dừng lại ở con số 4.
Tại huyện Yên Bình, bệnh dại đã xuất hiện và cướp đi sinh mạng của hai nạn nhân, một người đàn ông 50 tuổi ở xã Mông Sơn và một cháu bé năm tuổi ở xã Tân Hương. Như vậy, 5 tháng năm 2007 đã có lên 6 người chết do bệnh dại. Bằng cả số người chết trong năm 2006 và vượt qua tổng số người chết của năm 2002, 2003, 2004 và 2005 cộng lại.
Ngay sau khi phát hiện có bệnh nhân chết do bệnh dại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử cán bộ xuống kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh trên địa bàn và trực tiếp tham gia điều tra, hồi cứu các bệnh nhân tử vong; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế xã và thôn bản; thông báo trường hợp phát bệnh ở người để cơ quan thú y quản lý ổ bệnh dại trên đàn súc vật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền…
Nguyên nhân bệnh dại phát sinh, về chủ quan là do phòng chống bệnh dại không phải là chương trình trọng điểm của Nhà nước, do vậy kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách chi thường xuyên, các đơn vị gặp nhiều khó khăn khi triển khai hoạt động, đặc biệt là tại cơ sở; việc tiêm phòng dại cho người và gia súc hiện tổ chức dưới hình thức tiêm dịch vụ, người dân phải chi trả tiền cho các mũi tiêm, vì vậy việc vận động tiêm phòng cho đàn chó, mèo rất khó, nhất là đối với hộ nghèo (tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó đạt thấp, khoảng 40%) trong khi việc nuôi chó mèo thả rông là tập quán, thói quen lâu đời của người dân, khó thay đổi nếu chỉ tuyên truyền vận động mà không có biện pháp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư chưa nhận thức đầy đủ về đường lây truyền của bệnh từ súc vật sang người, do đó tình trạng giết mổ chó ốm, chó chết để ăn còn phổ biến; nhiều người tiếp xúc với chó ốm, mèo ốm, khi bị cắn không đi tiêm phòng, dẫn đến số người tử vong thời gian vừa qua tăng cao.
Cùng với nguyên nhân trên, có thể nói việc bệnh dại ở Lục Yên, Yên Bình gia tăng cũng do công tác phòng chống bệnh dại ở những nơi này chưa được quan tâm thích đáng, chưa có biện pháp quyết liệt để vận động nhân dân tổ chức tiêm phòng định kỳ, nuôi chó phải nhốt, xích theo quy định, để dịch dại vẫn tồn tại trên đàn chó; công tác truyền thông đã làm nhưng chưa sâu, chưa rộng, chưa thay đổi được nhận thức của người dân về những thói quen và hành vi của người dân với việc phòng tránh bệnh dại, đặc biệt là trách nhiệm của họ đối với việc phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi tại gia đình.
Bệnh dại là do vi rút từ động vật máu nóng như chó, mèo, chồn, cầy… bị nhiễm bệnh lây sang người qua chất tiết, nước dãi; người bị mắc do súc vật mắc bệnh cắn hoặc tiếp xúc với nước dãi súc vật bị nhiễm vi rút qua chân, tay bị xước.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi đã lên cơn dại, cả súc vật và người đều dẫn tới tử vong. Thời tiết nóng ẩm như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh dại phát triển.
Đáng lo ngại là tại các tỉnh bạn như Phú Thọ, Tuyên Quang… bệnh dại đã xuất hiện. Vì vậy, công tác phòng chống bệnh dại rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm phòng cho đàn chó, mèo định kỳ; người dân cần có ý thức phòng tránh, không tiếp xúc và ăn thịt chó, mèo ốm; cần tiêm phòng định kỳ cho chó mèo và khi bị chó mèo nghi dại cắn cần đến trung tâm y tế để tiêm phòng.
Xin nêu kinh nghiệm ở tỉnh Thái Nguyên – một tỉnh có bệnh dại bùng phát cách đây vài năm, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, nhiều biện pháp đã triển khai, tất cả đàn chó trong tỉnh đều được tiêm phòng, vì vậy bệnh dại ở địa phương này đã giảm hẳn.
Minh Bảo