YênBái – YBĐT – Giống là yếu tố quan trọng, từ xa xưa cha ông ta đã đúc kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay, giống càng trở nên quan trọng. Vậy mà mấy năm trở lại đây, người dân xã Lâm Thượng (Lục Yên) lại đang khốn đốn quanh chuyện giống lúa. Và cũng không chỉ Lâm Thượng mà một số địa phương khác trong tỉnh cũng đã từng xảy ra tình trạng gieo giống “chất lượng cao” để gặt… rơm!
Cứ bước vào mỗi vụ lúa, người nông dân Lâm Thượng lại canh cánh quanh chuyện giống lúa. Người dân ở đây luôn đặt ra câu hỏi: “Nên mua loại giống lúa nào cho năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, đỡ phần nào công chăm sóc và chi phí”, đặc biệt thời gian gần đây, giá cả thị trường tăng đột biến trong đó có giống lúa và phân bón, trong khi nơi người dân gửi niềm tin là Trạm Giống cây trồng huyện đã không còn chữ tín.
Có thể dẫn ra đây những bài học đắt giá. Năm 2006, nông dân Lâm Thượng được trợ giá mua thóc giống 903 tại Trạm Giống cây trồng huyện, bỏ công chăm sóc “trông trời, trông đất, trông mây…” với hy vọng có mùa vụ bội thu. Nhưng than ôi, gần đến mùa thu hoạch trên một thửa ruộng, lúa trỗ thành 3 đợt và người dân ngậm đắng nuốt cay chịu thất bát.
Năm 2007, một số hộ dân vẫn với mong muốn cho ruộng lúa nhà mình cho năng suất cao hơn tiếp tục chọn mua giống TH34 từ Trạm Giống cây trồng huyện nhưng lại ngờ đâu lúa tiếp tục trỗ thành… 3 đợt. Một khóm lúa có dảnh đã chín, dảnh đang trỗ, lại có dảnh đang “mang bầu”.
Năm 2008, do vụ đông xuân rét đậm, rét hại kéo dài, bước vào vụ mùa, người dân muốn làm kịp vụ 3 trên đất 2 vụ lúa nên chọn mua giống Việt Lai 20 (VL20) của Trạm Giống cây trồng huyện với ước muốn giống này có thời gian sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch sớm có thể kịp làm vụ đông. Nhưng lại một lần nữa lúa tiếp tục trỗ thành 3 đợt! Đợt này cả xã mua 32 kg giống VL20 cấy được hơn 1 ha lúa thất bát, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng. Thực tế có hộ trong xã, gia đình có 4 khẩu, cấy 2 sào lúa bằng giống VL20 chỉ cho thu hoạch được khoảng 1 tạ thóc, làm sao đủ lương thực ăn trong 6 tháng trời?
Được biết, các hộ dân trong xã đã có sự ký kết với Trạm Giống cây trồng huyện về việc bảo đảm chất lượng giống, không bảo đảm sẽ bồi thường thiệt hại. Sau khi có tin lúa VL20 ở Lâm Thượng đã “trổ 3 đợt”, Trạm Giống cây trồng đã xuống kiểm tra thực tế tại xã, lập biên bản thừa nhận và hứa sẽ bồi thường 50 nghìn đồng trên 1 sào thiệt hại và hỗ trợ bằng số giống dân đã mua bị hỏng vụ này cho vụ sau. Nhưng người dân xã Lâm Thượng đã không thực sự tin tưởng, bởi các năm trước khi người dân cấy phải các giống 903 và TH34 vẫn chỉ nhận được lời hứa suông.
Đó là còn chưa kể bao công nhọc nhằn chăm sóc tháng ngày, tiền vật tư bỏ ra đã đổ xuống sông bể và những thiệt hại khôn lường của việc “cấy lúa, gặt rơm” đối với mỗi người dân gắn bó với ruộng đồng. Chuyện giống lúa Quốc hào số 1 kém chất lượng khiến hơn 100 hộ dân Yên Bái bị thiệt hại, cụ thể với một số địa phương như xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn), Báo Đáp (Trấn Yên)… cách đây 2 năm là ví dụ chưa xa về việc cung ứng giống trên địa bàn.
Là đơn vị chủ lực cung cấp giống cho người dân trong tỉnh đã đến lúc, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh cần xem xét lại việc cung ứng giống cho dân, làm sao cho đảm bảo chất lượng. Trước khi đưa giống lúa nào vào cấy đại trà, cần có sự khảo nghiệm thực tế, không nên để người dân mất niềm tin cứ vào vụ mới lại canh cánh nỗi lo…giống lúa. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần có một cơ chế quản lý việc cung ứng giống để tránh cho người dân tối đa những thiệt hại.
Đào Minh
Đầu tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số ki-lô-mét sử dụng.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Yên Bái.
Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng, cả nước nói chung phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng hội nhập để làm chủ công nghệ số, cuộc sống số, xã hội số, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Năm 2023, tỉnh Yên Bái phấn đấu tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đạt tối thiểu 27,5%; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT vào học GDNN đạt tối thiểu 44,6%.