YênBái – YBĐT – Hiện nay, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em ở tỉnh Yên Bái ra nước ngoài xảy ra rất phức tạp và nghiêm trọng. Chỉ tính từ năm 2006 đến tháng 9/2008, đã có 67 phụ nữ và trẻ em ở một số huyện, thị xã trong tỉnh bị dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài với mục đích chủ yếu là bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục hoặc các mục đích vô nhân đạo khác. Việc buôn bán phụ nữ và trẻ em đã thực sự trở thành vấn đề báo động đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.
Gặp những nạn nhân bị bán ra nước ngoài
Đại uý Hoàng Thái Tâm, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (TTXH), Công an tỉnh đưa chúng tôi đến nhà người bị hại Tô Thị P. sinh năm 1988 trú tại thôn 3 xã Văn Phú, huyện Trấn Yên. Ngôi nhà gỗ 4 gian lợp cọ qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, trong nhà không có tài sản gì đáng giá tới triệu đồng. Mẹ đẻ của P. thấy khách đến nhà, chạy từ hàng xóm về nói : “Khổ lắm các chú ạ, con P. nhà tôi tin bạn, chẳng ai đâu xa, thằng Đại nhà ở Văn Tiến nó quen cái P. nhà tôi khi nó đi làm thợ xây ở gần Công ty cổ phần Nông- lâm sản thực phẩm Yên Bái- chỗ cái P. nhà tôi làm công nhân, rồi không biết chúng nó bàn nhau xin việc ở đâu đó thu nhập cao hơn. Sau đó vào khoảng 5 giờ sáng ngày 14 tháng 9 năm 2007, cái P. cùng chúng nó đi mất, mãi không thấy thông tin liên lạc gì về gia đình, tôi một mình hàng ngày vẫn phải xoay xở từ miếng cơm manh áo, sáng thì đón rau mang lên thành phố bán kiếm vài ngàn, ông nhà tôi thì câm điếc bẩm sinh nên không đỡ đần được gì nhiều. Còn cái P. nhà tôi thấy hoàn cảnh khó khăn, nó đã nghỉ học xin đi làm công nhân để kiếm tiền phụ giúp đỡ mẹ nuôi hai em ăn học…”.
Ngồi gần chúng tôi nghe mẹ kể lại chuyện, từ nãy đến giờ, P. chỉ khóc. Những giọt nước mắt oán hận kẻ đã nhẫn tâm bán mình vì những đồng tiền nhơ bẩn. Gạt những giọt nước mắt muộn màng, P. nghẹn ngào: “ Em ngờ đâu cuộc đời em lại khổ đến như vậy, Đại nói với em hàng ngày em chỉ phải bê những chiếc đầu video chuyển vào xe ô tô là em có 50 ngàn đồng/chiếc. Rồi một hôm, Đại cùng một người nữa tên là Hữu và một người con gái tên là Tuyến, đưa em ra ga Yên Bái, sau đi tầu về ga Yên Viên và tiếp tục bắt xe khách đi Lạng Sơn. Đến cửa khẩu, chúng nói là sang bên kia một tý rồi về, không ngờ sang bên kia, chúng đưa em lên một chiếc xe và đi đến nhà một người phụ nữ và bảo em ở lại đây lát nữa quay lại, nhưng chờ mãi đến tối vẫn không thấy đâu. Tối hôm đó em bị đưa vào một phòng tối, người chủ nhà nói thật là em đã bị bán rồi.
4 ngày đầu em bị nhốt và bị ép quan hệ với một số người đàn ông, sau đó chúng chuyển em tới tận huyện Trân Trang, tỉnh Quảng Đông, cách biên giới khoảng 1.500km. Những ngày tháng ở đây, chúng hành hạ kể cả thể xác lẫn tinh thần, mỗi ngày cho ăn 2 bữa cơm, ngoài ra không có gì hết. Hơn 1 năm ở nhà chủ, trung bình mỗi ngày chúng em phải tiếp từ 15 đến 20 lượt khách. Nhiều người khách quen của em đã bàn với em để giải thoát, nhưng rất khó khăn bởi chúng canh chừng rất cẩn mật.
Một hôm, em và một số người bạn Việt Nam và Trung Quốc được chuyển đến một nhà trọ gần đó. Tại nhà trọ này sự kiểm soát đỡ gắt gao hơn. Được sự giúp đỡ của một người bạn Trung Quốc đã cho em chiếc điện thoại, sau đó em điện được về gia đình, rồi được sự hướng dẫn của các chú Công an tỉnh Yên Bái, thường xuyên liên lạc với em. Và một hôm, chúng em quyết tâm bỏ trốn cùng 2 chị nữa, một người ở Hà Nội và một người tỉnh Cà Mau. Chúng em chạy tới Công an huyện Trân Trang nhờ họ giúp đỡ. Ở đấy được một ngày, họ bố trí xe ô tô đưa 3 chúng em về tới cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh và được các chú Công an tỉnh đón về Việt Nam…”.
Nạn nhân thứ hai chúng tôi tìm đến đó là chị Phạm Thị T. sinh năm 1977, trú quán tại thôn 5, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình. Trong căn nhà tạm siêu vẹo rộng khoảng 10 m2, xung quanh được quây bằng những tấm bạt dứa cũ nát. Chị T. ôm con vừa khóc vừa kể: “ Em quen Hữu hôm đó là do đi nhờ xe máy từ Cát Lem về tới nhà, em mời Hữu vào nhà uống nước.
2 ngày sau em tìm đến nơi ở của Hữu là một nhà trọ ở gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngồi chơi đến khoảng 21 giờ, Hữu đưa cho em 1 cốc nước, em uống chỉ vài phút sau thấy người cứ lịm đi, tỉnh dậy đã gần 23 giờ đêm, Hữu đưa em ra tàu và đi về ga Yên Viên, xuống tàu thì trời đã sáng. Hữu bảo đi làm ăn với Hữu, sau đó Hữu bắt xe khách đi Lạng Sơn. Tới nơi Hữu đưa em đi vào một con đường nhỏ vượt qua khe đá để sang Trung Quốc. Khi sang bên kia đã có một chiếc xe tải chờ từ trước, chúng đưa em đi chừng 50km, sau đó Hữu bảo đi có việc quay lại sau, nhưng đợi mãi không thấy Hữu trở lại. Đến gần tối em được đưa đến 1 nhà trọ và ở tầng thứ 3, khu nhà này có rất nhiều cửa sắt. Về sau này em mới biết là mình đã bị bán và chỗ ở thuộc địa bàn huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Si.
Những ngày ở đây, mỗi ngày em bị ép đi tiếp từ 5 đến 7 khách, đi đâu chúng cũng cho người đưa đi đón về. Do tay em bị dị tật bẩm sinh nên em đã nghĩ ra cách nói dối với bà chủ tên là Hằng người Việt Nam là thường xuyên em nhận thuốc uống do các tổ chức y tế nước ngoài cung cấp, không có thuốc sẽ bị co giật và chết. Hai hôm sau, em vờ lên cơn co giật, chân tay co quắp lại, sợ quá, chúng đành thuê xe tắc- xi đưa em ra cửa khẩu Lạng Sơn thả ở đó. Em còn nhớ, Hữu bán em sang Trung Quốc từ ngày 1 tháng 4 năm 2008 đến ngày 17 tháng 8 năm 2008 thì em về đến nhà…”.
Những kẻ buôn người bị bắt
Trong phòng làm việc của các chiến sỹ Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH Công an tỉnh, chúng tôi thấy không khí làm việc hết sức khẩn trương và nghiêm túc. Chiếc điện thoại cầm tay, điện thoại bàn chốc chốc lại đổ những hồi chuông dài. Thượng tá – Bùi Lê Minh – Phó trưởng phòng trao đổi nhanh những con số “ nóng” về tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em những năm gần đây, đặc biệt là vụ việc vừa bắt 2 đối tượng là Hồ Viết Hữu sinh năm 1974 và đối tượng Nguyễn Trọng Đại đều người ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái).
Trong thời gian từ tháng 9 năm 2007 đến tháng 5 năm 2008, hai đối tượng này đã gây ra 5 vụ với 7 người bị hại để đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền tiêu xài. Thủ đoạn của chúng là đặt vấn đề làm quen, vờ yêu đương, sau đó đưa về gia đình giới thiệu, rủ đi chơi và bán sang Trung Quốc. Thủ đoạn thứ hai, chúng đặt vấn đề có nơi làm việc ổn định, thu nhập cao, sau đó lừa đưa đi Trung Quốc bán. Hiện nay, trong số 7 nạn nhân của Hữu và Đại còn 5 nạn nhân khác không rõ tung tích. Theo nguồn tin của Công an tỉnh Lạng Sơn thì tên Đại đã bị bắt ngày 26 tháng 7 năm 2008 và đang bị giam giữ vì có liên quan đến 1 vụ buôn bán phụ nữ thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Còn Hữu đã bị bắt ngày 30 tháng 9 năm 2008, khi Hữu đang lẩn trốn tại địa bàn xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình.
Theo số liệu tổng hợp những năm gần đây cho thấy tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em sang Trung Quốc rất đáng lo ngại. Năm 2006 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 7 vụ với 19 đối tượng có liên quan đến việc bán 17 người sang Trung Quốc. Năm 2007 lên tới 16 vụ, gồm 33 đối tượng có liên quan đưa 37 người bán sang Trung Quốc. 9 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn xảy ra 4 vụ với 9 đối tượng liên quan và 13 người bị bán sang Trung Quốc. Tệ hại hơn, trong số bị hại có cả đối tượng là trẻ em.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH triển khai
kế hoạch phá án.
Thượng tá Bùi Lê Minh – Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH – Công an tỉnh nhận định: “ Hiện nay số vụ việc trên, chúng tôi nắm được là do nguồn tin tố giác, cùng với công tác nắm bắt và nhận định tình hình. Còn trên thực tế số phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc người trong tỉnh hiện tại có thể lên tới hàng trăm người và có thể còn nhiều hơn thế. Trong số đối tượng bị lừa bán, chiếm tới 80% là người dân tộc, trình độ văn hoá thấp, ít hiểu biết xã hội, đối tượng bị bán nhiều nhất vẫn là huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ…
Chúng thường đi theo 4 tuyến gồm: Văn Chấn, Nghĩa Lộ, đi qua đường Lai Châu và Lào Cai; tuyến Văn Chấn, thành phố Yên Bái đi Lào Cai; tuyến Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình đi Lào Cai bằng đường bộ; tuyến Văn Chấn, thành phố Yên Bái đi Lạng Sơn… Chúng tôi đang tập trung lực lượng, cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của công an các tỉnh giáp ranh với biên giới Trung Quốc nhằm tăng cường kiểm soát để hạn ngăn chặn, bắt các đối tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc và cứu giúp những người bị hại trở về nước”.
Giải pháp thực hiện Đề án 130
Thực hiện Đề án 130 của Chính phủ về những vấn đề cấp bách nhằm đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đến năm 2010. Đây là những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với các cấp chính quyền ở các địa phương trong tỉnh, chính vì vậy việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là hết sức quan trọng, để kịp thời phát hiện những hành vi lừa gạt buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài.
Việc giải quyết đơn thư tố giác tội phạm của công dân cũng phải được chu đáo hơn và nhất là các ngành chức năng phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ những kẻ bất lương đưa ra xử lý trước pháp luật. Và nhất là mỗi người dân phải biết tự bảo vệ lấy chính mình và con em mình, không để kẻ xấu lợi dụng trình độ dân trí thấp, dụ dỗ bằng những lời đường mật, lừa gạt với tương lai tươi sáng hơn ở những nơi làm việc mới, rồi đưa bán ra nước ngoài.
Những vụ việc đau lòng kể trên là bài học đắt giá cho những người nhẹ dạ cả tin và cũng là vấn đề “nóng” cần đến sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh.
Phong Sơn