YênBái – Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về số giờ làm thêm trong bối cảnh các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Đây được coi là giải pháp để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung có thể phục hồi sản xuất và khôi phục trở lại chuỗi sản xuất, đưa kinh tế – xã hội phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tại nhiều doanh nghiệp có 20%, thậm chí đến 70% số lao động mắc F0 dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ trong thời điểm, nguy cơ đứt gẫy chuỗi sản xuất.
Tại Yên Bái, từ sau tết Nguyên đán đến nay, nhiều doanh nghiệp và tại các khu công nghiệp liên tiếp ghi nhận hàng nghìn trường hợp F0 và F1 phải cách ly tại nhà, nhất là các cơ sở may công nghiệp – nơi có nhiều lao động làm việc tập trung.
Số ca mắc Covid -19 tăng cao khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu hụt lao động, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết. Nghị quyết về việc nới “trần” làm thêm giờ vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sẽ góp phần để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ: nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/01/2022. Thời điểm hết hiệu lực sẽ theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/ 2021 của Quốc hội.
Việc điều chỉnh thời giờ làm thêm là một trong những giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi này. Vấn đề ở chỗ, việc tăng giờ làm thêm phải trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 phía, cả về số giờ, tiền công và chế độ tăng ca.
Chuyện “nới” trần làm thêm giờ cần có sự thỏa thuận, tham gia của ba bên, trong đó, Nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp lý, doanh nghiệp dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính để thỏa thuận với người lao động và ngước lại người lao động cũng cần tìm hiểu, cân đối thời gian, sức khỏe và lợi ích của mình để thực hiện.
Để Nghị quyết này được triển khai hiệu quả, bảo đảm quyền lợi, lợi ích của cả người lao động và doanh nghiệp thì các ngành, địa phương liên quan cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết, các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi để người lao động nắm bắt rõ quy định.
Đồng thời, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung, đặc biệt là quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm thêm…
Nghị quyết về nới “trần” làm thêm giờ đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ phía doanh nghiệp và người lao động. Đây thực sự là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng về lâu dài, cần có những nghiên cứu tổng thể để quy định làm thêm giờ phù hợp với thể chất của người lao động.
Hùng Cường