YBĐT – Đủ các sản phẩm rau quả, vật nuôi được bày bán tại chợ Yên Ninh (thành phố Yên Bái) và nhiều chợ khác đều không rõ xuất xứ.
Không chỉ những trường hợp có biểu hiện ngộ độc phải vào viện dưới dạng rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn thoáng qua do ăn phải các thực phẩm không hợp vệ sinh ở các hàng quán và rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu mà đáng ngại hơn, thời gian gần đây, các vụ ngộ độc tập thể sau các bữa tiệc đông người vẫn diễn ra. Chắc hẳn ít người quên, năm 2008 một vụ ngộ độc do ăn cỗ cưới tại xã Yên Thắng (Lục Yên) xảy ra đã làm 267 người phải đi cấp cứu.
Mới đây, ngày 2/10/2010, tại xã Đông Cuông huyện Văn Yên lại tiếp tục xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm làm 46 người/200 khách dự đám cưới đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, trong đó 10 ca phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện mà theo thông tin của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Yên Bái, có nhiều khả năng do ăn bánh dày tại đám cưới. Những vụ ngộ độc thực phẩm đau lòng ấy như lời cảnh tỉnh để chúng ta nhìn thẳng vào thực trạng công tác VSATTP của Yên Bái.
Cũng như các địa phương, thị trường thực phẩm ở Yên Bái hiện rất đa dạng, cùng với các mặt hàng thiết yếu như: lương thực; thịt gia súc, gia cầm; bánh kẹo, rượu bia; kem, nước giải khát… còn rất nhiều thực phẩm sản xuất trong nước và nhập từ Trung Quốc như dưa muối, thịt quay, bánh kẹo, rượu bia, phủ tạng động vật (tim, cật, trễ…), trứng gà, đến các chất phụ gia như đường hoá học, phẩm màu, hương liệu… Trong cơ chế thị trường, giao lưu thương mại ngày càng thông thoáng, không ít doanh nghiệp bất chấp đạo lý vì lợi nhuận nhập khẩu cả các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo bảo chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra còn nhiều nhà hàng, quán ăn chưa được quản lý chặt chẽ về VSATTP.
Các sản phẩm như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm được sản xuất và giết mổ tại địa phương cũng đang trong vòng quản lý hết sức lỏng lẻo. Hiện nay ở Yên Bái, kể cả khu vực thành phố cũng chưa có một lò giết mổ nào đảm bảo vệ sinh theo qui mô lớn. Hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm qui mô nhỏ do người dân tự đầu tư không đảm bảo VSATTP. Người tiêu dùng cũng chưa tìm đâu được một cửa hàng “rau sạch”, rõ xuất xứ và được ngành y tế công nhận.
Thực tế người dân hiện nay, đặc biệt là khu vực thành phố do không “tự cung tự cấp” được nên chỉ còn cách “ăn thử”. Nhiều gia đình quá sợ với các loại rau không rõ xuất xứ, tranh thủ nhà có chút đất tự trồng rau ăn. Nhưng ở thành phố, hiếm đất sao đủ rau ăn, vậy là lúc giao mùa vẫn phải “nhắm mắt đưa chân” ngoài chợ trông vào may rủi. Còn một số người sản xuất, kinh doanh thì nhắm mắt làm liều vì lợi nhuận mà không cần biết đến sức khoẻ người khác. Thêm vào đó là sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung ở một số ngành chủ chốt và vào các dịp cao điểm; khu vực đông dân cư, cơ sở thực phẩm lớn, còn các xã vùng sâu, xa, cơ sở nhỏ, giao thông đi lại khó khăn hầu như còn bỏ ngỏ. Việc xử lý vi phạm chưa thường xuyên, chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, xong rồi đâu lại hoàn đấy.
Đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP nhìn chung chưa được đào tạo đầy đủ, đa số là kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên ngành, trình độ không đồng đều; trang thiết bị phục vụ công tác VSATTP còn thiếu, nhất là tuyến huyện, thị, thành phố. Chế độ thù lao chưa cụ thể, nhất là tuyến cơ sở xã, phường. Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP còn hạn chế, một phần do điều kiện của cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo; phần nữa do người sản xuất, kinh doanh chưa có ý thức thực hiện khâu này. Còn một nguyên nhân nữa là các huyện thị, thành phố chưa thực sự chú trọng tới việc qui hoạch phát triển vùng sản xuất rau, thực phẩm sạch cũng như các cửa hàng kinh doanh rau, thịt sạch; các lò giết mổ chưa được quản lý chặt chẽ.
Việc cần làm ngay hiện nay là các huyện, thị, đặc biệt là thành phố Yên Bái nên sớm qui hoạch các vùng sản xuất rau sạch, thịt sạch rõ nguồn gốc; xây dựng các lò mổ hiện đại đảm bảo VSATTP; có các điểm bán rau, thịt sạch phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm VSATTP. Có vậy tết đến, mùa cưới về người dân mới vơi bớt nỗi lo ngộ độc thực phẩm.
Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Trạm Thú y thành phố Yên Bái, Công an phường Hồng Hà tiến hành tiêu hủy 329 kg gà thịt mổ sẵn đông lạnh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là số gà nhập lậu từ Trung Quốc được vận chuyển xe ô tô biển kiểm soát 21H – 1738 của bà Phạm Thị Vân (phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái), Đội quản lý thị trường cơ động kiểm tra, bắt giữ ngày 17/11/2010. Toàn bộ số gà tiêu hủy trị giá ước 32.900.000 đồng.
Phương Uyên |
Đào Minh