YBĐT – Dư luận cho rằng việc doanh nghiệp xả thải ra môi trường không khó để phát hiện xử lý, chỉ có điều nhà quản lý môi trường có xử lý nghiêm hay không mà thôi. Không xử lý kiên quyết dẫn đến môi trường sống bị huỷ hoại, người bị thiệt thòi nhất là người dân sống xung quanh doanh nghiệp.
Kinh tế thị trường bung ra, hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực từ chế biến nông – lâm thổ sản đến phi kim loại, may mặc, điện tử. Doanh nghiệp phát triển không chỉ tạo công ăn việc làm cho người lao động mà còn đóng góp lớn vào cho ngân sách Nhà nước, thúc đẩy sản xuất phát triển. Thế nhưng bên cạnh những đóng góp tích cực đó thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngang nhiên xả chất thải ra môi trường…
Nhiều người băn khoăn trước những hành động thiếu chuyên nghiệp trong làm kinh tế và vi phạm luật của khá nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khi họ “lãng quyên” trách nhiệm bảo vệ môi trường. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng đánh đổi cả việc huỷ hoại môi trường sống của chúng ta hiện tại và tương lai để thu “lợi nhuận môi trường” kếch xù từ việc không phải xử lý chất thải trong và sau sản xuất.
Các nhà máy chế biến giấy, bột giấy Văn Hưng, Lục Yên đến nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Nghĩa Lộ, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vũ Linh huyện Yên Bình là những minh chứng cụ thể nhất. Tất cả những doanh nghiệp này đã bị “đóng cửa” chỉ cho hoạt động trở lại khi đã xử lý môi trường và xử lý theo quy định.
Đấy là những doanh nghiệp bị phát hiện, xử lý nhưng vẫn còn có khá nhiều doanh nghiệp đang lén lút xả chất thải gây ô nhiễm môi trường! Có nhiều người nói rằng các doanh nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông-lâm sản trên địa bàn phần lãi chủ yếu là ăn vào môi trường, nếu xử lý chất thải theo tiêu chuẩn Việt Nam chắc chắn không thể tồn tại được.
Nhìn một cách tổng quan thì không chỉ các doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường thiếu trách nhiệm với môi trường mà ngay cả chính những cơ quan quản lý môi trường, chính quyền địa phương các cấp cũng buông lỏng quản lý từ khâu lập dự án đến xây dựng và đi vào sản xuất, chế biến.
Dư luận cho rằng việc doanh nghiệp xả thải ra môi trường không khó để phát hiện xử lý, chỉ có điều nhà quản lý môi trường có xử lý nghiêm hay không mà thôi. Không xử lý kiên quyết dẫn đến môi trường sống bị huỷ hoại, người bị thiệt thòi nhất là người dân sống xung quanh doanh nghiệp.
Người dân xã Vũ Linh, Đại Minh huyện Yên Bình phải sống chung với môi trường ô nhiễm từ Nhà máy sắn thải ra trong suốt thời gian qua rồi hàng chục tấn cá lồng chết hàng loạt trên sông Chảy làm cho bao gia đình khuynh gia bại sản. Thế nhưng doanh nghiệp không hề có trách nhiệm gì với môi trường, với người dân bị thiệt hại là điều đáng trách và cần bị lên án. Phải chăng vì thiếu cương quyết trong xử lý dẫn tới doanh nghiệp “nhờn thuốc” và coi nhẹ pháp luật?
Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của chúng ta vẫn còn ở phía trước. Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp mới, ngành nghề mới sẽ được xây dựng đi vào sản xuất, kinh doanh và đồng nghĩa với đó là nước thải, chất thải cũng nhiều hơn. Để bảo vệ môi trường, mỗi doanh nghiệp cần có trách nhiệm với môi trường sống của chúng ta.
Theo đó, trách nhiệm của cơ quan bảo vệ môi trường cũng sẽ nặng nề hơn. Nếu chúng ta không xử lý kiên quyết mà cứ để tình trạng như lâu nay chắc chắn môi trường sống ngày một xấu đi, kinh tế đất nước phát triển thiếu bền vững. Mỗi chúng ta hãy sống và có trách nhiệm để bảo vệ lá phổi xanh cho nhân loại, trước tiên là cho chính những người dân địa phương và cho doanh nghiệp.
Thanh Phúc