YBĐT – Yên Bái phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã và đến năm 2020 đạt 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội và thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 7 khoá X về “tam nông”. Thực hiện chủ trương đó, Yên Bái phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã và đến năm 2020 đạt 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới!
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó và xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới cần sự nỗ lực của các cấp, các ngành, bà con nông dân, đặc biệt phải làm tốt ngay từ khâu quy hoạch.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng nông thôn. Cùng với đó là sự nỗ lực chung tay góp sức của toàn xã hội,, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng “điện – đường – trường – trạm” được xây dựng khang trang, to đẹp hơn, các làng, bản đều có nhà văn hoá, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì các vùng nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, nhiều xã xây dựng được đường liên xã, liên thôn, đường trục chính nhưng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại chứ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, việc bố trí đất dân cư, đất sản xuất, hạ tầng kinh tế – xã hội vẫn còn mang tính tự phát, chủ yếu dựa trên phong tục, tập quán của cư dân bản địa. Sản xuất nông lâm nghiệp nhỏ lẻ, phân tán trên nhiều thửa ruộng rất khó đáp ứng cho sản xuất hàng hoá.
Một tồn tại nữa là không gian phát triển các xã, địa phương theo hướng “cục bộ” chưa có sự kết nối, quy hoạch vùng, liên vùng sẽ làm kìm hãm sự phát triển…
Từ những thực tế đó, xây dựng nông thôn mới đòi hỏi trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước để làm cơ sở cho xây dựng, đầu tư và phát triển. Người thực hiện quy hoạch phải là những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tư duy tốt dựa trên hiện trạng và phong tục, tập quán người dân.
Trong quá trình làm phải lấy ý kiến tham gia trực tiếp của người dân để làm cơ sở cho quy hoạch cụ thể, quy hoạch sao vừa phù hợp với tập quán của cư dân bản địa lại vừa đáp ứng điều kiện phát triển lâu dài. Trở thành một xã nông thôn mới ngoài cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, bề thế, cần chú trọng đến quy hoạch dân cư, đất sản xuất nông – lâm nghiệp và cư dân phi nông nghiệp. Xã nông thôn mới không thể có tỷ lệ hộ đói nghèo cao, dôi dư lao động và ngược lại. Do vậy, chúng ta phải quy hoạch đồng ruộng, tư liệu sản xuất theo hướng liền ô, liền thửa tiến tới sản xuất hàng hoá và thị trường.
Quy hoạch dân cư cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng, do đặc thù của xã miền núi, dân cư thưa thớt theo các chòm xóm, lại có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trình độ dân trí, nhận thức khác nhau. Nếu cứ bố trí dân cư như hiện tại thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốn kém, nếu như không muốn nói là không thể. Một bản nằm cách trung tâm xã cả km đường lại qua bao đồi núi, khe suối ở vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải không thể kéo một đường điện hay một trạm biến áp chỉ để phục vụ vài chục hộ dân. Giao thông cũng vậy. Giải pháp đưa các hộ dân về khu tái định cư tập trung tuy xây dựng hạ tầng có dễ hơn nhưng lại phải bố trí đất sản xuất, rồi đào tạo nghề… và rất nhiều nhu cầu khác phát sinh.
Xây dựng một xã nông thôn mới đạt chuẩn theo 19 tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất khắt khe và đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nếu quy hoạch không kỹ rất dễ gây lãng phí, kém hiệu quả. Chẳng hạn, theo tiêu chí, đường giao thông trục xã phải đạt quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải nhưng trong thời gian qua, bằng nguồn vốn chương trình 135, 134 của Chính phủ và vốn kích cầu của tỉnh, huyện cùng sự đóng góp của nhân dân, hầu hết các xã của Yên Bái đã cơ bản nhựa hoá và bê tông hoá nhưng lại chưa vào cấp. Xã nông thôn mới buộc đường phải vào cấp thì chỉ có cách phá đi làm lại rất lãng phí. Yêu cầu phải tính toán kỹ lưỡng là như vậy.
Tựu trung lại, quy hoạch là yếu tố quyết định “hình hài” nông thôn mới. Không thể xây dựng nông thôn mới khi chưa có quy hoạch phù hợp và được sự đồng thuận của người dân. Trong quá trình xây dựng, mỗi địa phương phải tìm ra cho mình những hướng đi phù hợp, khả thi, tránh làm theo phong trào, mô típ chung chung vừa lãng phí vừa không hiệu quả.
Thanh Phúc