YBĐT – Gần đây, nguồn lao động tại các khu công nghiệp trong tỉnh Yên Bái đang khan hiếm. Không chỉ khan hiếm nguồn lao động chất lượng cao mà ngay cả tìm lao động phổ thông giản đơn cũng đang là vấn đề nan giải của các chủ doanh nghiệp.
Thiếu lao động nhất là ngành công nghiệp chế biến hạt nhựa từ bột đá, sản xuất bao bì, sản xuất đũa… Nhiều nhà máy phải đình trệ sản xuất do thiếu lao động. Điều đó không chỉ là nỗi bức xúc của các chủ doanh nghiệp mà còn là vấn đề lợi thế so sánh về môi trường đầu tư của tỉnh trong thế cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực.
Thực tế có phải nguồn lao động của tỉnh đang khan hiếm hay không? Câu hỏi này phải có số liệu thống kê của cơ quan chức năng về dân số – việc làm mới có thể trả lời chính xác. Nhưng so với quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 760.000 người, trong đó độ tuổi lao động trên 340.000 người thì dễ dàng nhận biết là nguồn lao động của Yên Bái chưa khan hiếm: số người có nhu cầu tìm việc rất nhiều – nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.
Vậy tại sao các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn lại khó khăn về nguồn lao động? Vì sao lực lượng lao động đang có nhu cầu chưa đến với các doanh nghiệp?
Phân tích thì nguyên nhân của hiện tượng này rất nhiều. Nguyên nhân từ phía các ông chủ như: chính sách với người lao động chưa hấp dẫn, chưa quan tâm đúng mức đến điều kiện lao động khiến người lao động không gắn bó với doanh nghiệp (trên thực tế đã có rất nhiều người bỏ việc).
Nguyên nhân từ phía quản lý Nhà nước địa phương như: chính sách đào tạo phát huy nguồn nhân lực chưa tốt, chưa hợp lý nên chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn lao động cho các nhà đầu tư. Người dân thì chưa nắm bắt được thông tin đầy đủ về nhu cầu tuyển dụng, còn tự ti, chưa chủ động liên hệ tìm việc làm…
Rõ ràng, thực tế cho thấy: nguồn lao động giản đơn còn rất tiềm năng hiện chưa được các cấp, các ngành và doanh nghiệp tạo điều kiện phát huy. Đó là nguồn lao động từ con em đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế – xã hội, sự nghiệp giáo dục phổ thông khu vực vùng cao cũng đã có bước chuyển dài so với trước đây. Số con em đồng bào các dân tộc thiểu số học xong THCS và THPT hàng năm ngày càng nhiều.
Trong số đó, chỉ một số ít tiếp tục học chuyên nghiệp, cử tuyển, học nghiệp vụ và được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp địa phương; còn lại đều quay về thôn, bản, chưa chủ động tham gia vào lực lượng lao động tại các khu công nghiệp của tỉnh. Vấn đề ở đây là sự tạo điều kiện cho con em vùng cao được học nghề để có cơ hội việc làm, tuy trong thời gian qua đã có nhưng chưa nhiều lắm.
Vài năm gần đây, hàng năm Trung tâm Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH) có tổ chức lớp dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng số lượng còn rất thấp và so với nhu cầu tuyển dụng lao động tại các khu công nghiệp thì chưa thấm vào đâu.
Chính sách của tỉnh trong thời gian tới đã xác định là tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô và ưu tiên đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Song, vấn đề là các cấp, ngành ở tỉnh và doanh nghiệp cần phối hợp với nhau để cùng với các huyện vùng cao cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào thiểu số được học nghề, để có cơ hội tham gia vào lực lượng lao động tại các khu công nghiệp của tỉnh.
Làm được như vậy sẽ lợi cả đôi đường, vừa đáp ứng được nguồn lao động đang khan hiếm tại các khu công nghiệp hiện nay vừa giải quyết được việc làm cho con em đồng bào thiểu số vùng cao.
Quang Thiều