YBĐT – Đánh giá 10 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về: “Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo” tại Yên Bái cho thấy chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực.
Tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội Yên Bái đã nâng lên trên 1.400 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với năm đầu. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay đã có 9 chương trình tín dụng chính sách, chuyển tải trên 2.200 tỷ đồng cho hơn 195.000 lượt khách hàng là hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, với dư nợ bình quân 13,5 triệu đồng (năm 2012). Hiệu quả từ đồng vốn chính sách mang lại cho mỗi hộ gia đình nghèo và chính sách cũng như xã hội là cực kỳ to lớn.
Từ nguồn vốn ưu đãi này, các hộ đã đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng… giúp hơn 40 ngàn hộ thoát nghèo, tạo ra hàng chục ngàn việc làm mới cho người lao động, hơn 20 ngàn học sinh có điều kiện học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề, trên 6 ngàn hộ được vay vốn hỗ trợ xoá nhà dột nát và hàng chục ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường được xây dựng phục vụ cuộc sống người dân…
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hoạt động cho vay vốn chính sách vẫn còn những tồn tại, như: nguồn vốn hoạt động không ổn định, vốn huy động tại các địa phương chiếm thấp (chiếm 3% trong tổng nguồn vốn); dù được cải thiện nhưng mức tăng trưởng tín dụng vẫn thấp so với các tỉnh trong khu vực; nợ quá hạn còn cao, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,44%, nợ tồn đọng lâu ngày chưa được giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa ngân hàng với các ngành, các cấp trong việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đôi lúc chưa chặt chẽ; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc; một số nơi xét duyệt cho vay sai đối tượng, mức cho vay thấp, đầu tư dàn trải; việc lồng ghép cho vay tín dụng ưu đãi với các chương trình dự án với hướng dẫn khoa học chưa được quan tâm nên hiệu quả đầu tư chưa cao…
Với 191.017 hộ nghèo và 10.179 hộ cận nghèo cùng hàng vạn hộ gia đình chính sách như hiện nay, cùng những yếu tố ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo như thiên tai, dịch bệnh…., việc tăng cường hoạt động của hệ thống ngân hàng chính sách trên địa bàn tỉnh miền, dân tộc như Yên Bái để thúc đẩy phát triển kinh tế – xóa đói giảm nghèo là vô cùng cần thiết.
Để đưa đồng vốn chính sách đến với hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo giúp các đối tượng phát triển kinh tế thoát nghèo hòa nhập cộng đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cần tiếp tục bám sát chiến lược của Trung ương và của tỉnh để xây dựng chương trình mục tiêu cho phù hợp với chiến lược phát triển; tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường công tác tuyên truyền giúp các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư hiểu rõ về chính sách tín dụng ưu đãi để cùng chung tay quản lý.
Cùng nguồn vốn của trung ương cần có giải pháp huy động vốn địa phương và đảm bảo cho vay kịp thời đối với 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn đồng thời xoá bỏ tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại để người nghèo nỗ lực, cố gắng sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả. Bên cạnh thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng của tổ tiết kiệm và vay vốn theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện hoạt động trên từng địa bàn cần phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ…
Đồng vốn ưu đãi thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cộng với quyết tâm vươn lên xóa đói nghèo của mỗi hộ gia đình là cơ sở để chúng ta tin tưởng Yên Bái sẽ đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nguyễn Đình