YBĐT – Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 105/2015/QH13 công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là ngày Chủ nhật – 22 tháng 5 năm 2016.
Như vậy, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày toàn dân đi bầu cử. Đây là sự kiện quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”.
Tại Yên Bái, đến ngày 29/1/2016, tất cả các huyện, thị xã, thành phố và 180/180 xã, phường, thị trấn đã thành lập xong ủy ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Ủy ban bầu cử các cấp đã ấn định số lượng đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND các cấp với tổng số 1.254 đơn vị bầu cử.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tỉnh Yên Bái đã thống nhất và biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ những người ứng cử, trong đó, ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 9 người, những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII gồm 117 người. Từ danh sách sơ bộ, những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 được tiến hành lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú từ ngày 20/3 – 12/4/2016.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 phát huy cao nhất tính dân chủ, thực sự là “dân bầu, Đảng cử” thì công tác bầu cử lần này đã có nhiều đổi mới. Đó là những điều chỉnh, bổ sung cụ thể về bộ máy thực hiện công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương; quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử; việc tuyên truyền vận động bầu cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo….
Việc giới thiệu đại biểu qua hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc được tiến hành chặt chẽ, thể hiện tính dân chủ trong bầu cử. Đồng thời, việc giới thiệu người ra ứng cử cũng phải trên cơ sở tiêu chuẩn của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Quá trình hiệp thương dân chủ vừa bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng vừa đạt được sự đồng thuận của các thành viên mặt trận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu để cử tri lựa chọn người đại diện xứng đáng của nhân dân.
Phát huy dân chủ trong bầu cử cần được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn dân để cử tri không chỉ nắm rõ các quy định của pháp luật về bầu cử, về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử mà cần hiểu rõ, biết rõ về các ứng cử viên mà mình sẽ cầm lá phiếu để bầu.
Phát huy dân chủ trong bầu cử là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc đóng góp xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở các cấp, tạo không khí phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân để ngày bầu cử sắp tới sẽ là ngày hội lớn của toàn dân.
Thanh Chi