YBĐT – Đoàn thanh niên nông thôn là lực lượng chủ yếu trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương song họ đã và đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn ở khu vực này là câu hỏi mà những người tâm huyết với công tác Đoàn và phong trào thanh niên đang băn khoăn, trăn trở.
Hiện nay, phần lớn thanh niên nông thôn đều đi học xa hoặc làm công chức Nhà nước, số còn lại chỉ tốt nghiệp cấp 3 cũng loay hoay tìm cách thoát ly đi đến các thành phố lớn làm ăn. Vì thế, thanh niên nông thôn “chính hiệu” chỉ còn lại những cô gái đang ở tuổi cập kê hoặc mới lập gia đình, hay những chàng trai có hoàn cảnh gia đình neo đơn không thể xa quê.
Mặt khác, số ít đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) còn lại cũng không mặn mà với hoạt động Đoàn, bởi đa phần đã có gia đình, mải lo làm kinh tế. Hơn nữa, do hoạt động Đoàn ở cơ sở không có cơ chế hỗ trợ khuyến khích nên không thu hút được ĐVTN tham gia. Bên cạnh đó, không ít cơ sở Đoàn hoạt động không hiệu quả, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở hạn chế nên việc tập hợp ĐVTN đến với Đoàn, Hội còn rất khó khăn. Yếu về lực lượng dẫn tới yếu và thiếu rất nhiều kỹ năng khác trong công tác cùng tình trạng thiếu ĐVTN dẫn đến không tổ chức sinh hoạt đang diễn ra phổ biến ở rất nhiều chi đoàn nông thôn hiện nay.
Một thực tế khác, mọi hoạt động thanh niên khu vực nông thôn nhất là ở vùng cao giờ chủ yếu trông chờ vào khối các trường học trên địa bàn. Từ việc thực hiện các phong trào, chiến dịch tình nguyện đến việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, chương trình văn nghệ… đều do khối này đảm nhiệm. Các chi đoàn sở tại, chủ yếu là hưởng ứng chứ chưa có sự chủ động và thiếu kinh phí để tổ chức. Việc học tập, sinh hoạt theo chuyên đề hoặc tổ chức các buổi tọa đàm, nghe nói chuyện, diễn thuyết đối với chi đoàn thanh niên nông thôn hầu như không có. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thanh niên nông thôn không được trang bị kiến thức đầy đủ trước tốc độ đô thị hóa quá nhanh như hiện nay.
Để thu hút, tập hợp được thanh niên gắn bó với tổ chức Đoàn, các cấp bộ Đoàn cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn. Đó là đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Đoàn; duy trì sinh hoạt hàng tháng với những nội dung cụ thể; đội ngũ cán bộ Đoàn cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để từ đó tìm ra những phương thức giải quyết hiệu quả, đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ hoạt động Đoàn trong khu vực nông thôn…
Có như thế việc thu hút tập hợp ĐVTN vào tổ chức Đoàn mới cuốn hút được thanh niên tham gia, để thanh niên nông thôn “ly nông không ly hương” lập thân, lập nghiệp ngay trên quê hương mình. Đặc biệt, cần giữ chân ĐVTN sinh sống và làm việc tại địa phương. Muốn vậy, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tổ chức Đoàn, cần có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức xã hội, hỗ trợ họ trên con đường lập thân, lập nghiệp với những việc làm cụ thể như: quan tâm giải quyết cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế, phối hợp với ngành chức năng xây dựng những mô hình làm kinh tế, lắng nghe ý kiến và thấu hiểu được những khó khăn của thanh niên trong thực tế cuộc sống để có hướng giải quyết hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tin tưởng, mạnh dạn giao việc cho thanh niên để vừa thử thách năng lực, vừa phát huy vai trò xung kích của thanh niên đối với việc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Thanh niên là người có sức khỏe, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tham gia các phong trào phát triển kinh tế – xã hội để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhiều thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã tích cực tiếp thu, đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tận dụng được những lợi thế này của thanh niên, chắc chắn tổ chức Đoàn sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp để đóng góp vào hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thiên Cầm