YênBái – Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng, cả nước nói chung phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng hội nhập để làm chủ công nghệ số, cuộc sống số, xã hội số, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
69 năm trước, ngày 7/5/1954, thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã ghi mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của toàn dân tộc. Thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó không chỉ chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp ở dải đất hình chữ S mà còn cho tất cả các nước trên bán đảo Đông Dương. Qua đó, góp phần quan trọng đưa nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác, cùng với cả nước, quân và dân Yên Bái đã dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ với 1.880 tấn gạo, 1.372 con trâu bò, 489 con lợn và 2.700 kg đỗ, lạc và gần 32.000 lượt dân công.
Đặc biệt, nhân dân các xã ven sông Hồng (thuộc huyện Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái ngày nay) còn đóng hàng trăm thuyền, bè, mảng, vận chuyển 2.700 công, huy động 650 xe đạp thồ phục vụ chiến dịch.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, đến chiều ngày 7/5/1954, ta chiếm Sở Chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đầu hàng.
Hình ảnh lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay phần phật trên nóc hầm chỉ huy của địch chiều ngày 7/5/1954 đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ một lần nữa khẳng định sức mạnh to lớn và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneve chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Hiệp định Geneve đã tạo tiền đề và cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mù Cang Chải giúp nhân dân dựng lại nhà sau bão lũ.
(Ảnh: K.T)
Hôm nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ, bên cạnh những thuận lợi, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những nguy cơ đang tiềm ẩn với nhiều diễn biến phức tạp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư càng làm cho cơ hội và thách thức ấy đan xen mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng, cả nước nói chung phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng hội nhập để làm chủ công nghệ số, cuộc sống số, xã hội số, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Qua đó, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng tỉnh Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Thanh Hương