YênBái – YBĐT – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 10.000 hợp tác xã (HTX), thu hút khoảng 45% số lao động. Trong số đó, khoảng 10% làm ăn có hiệu quả, 70% hoạt động trung bình, trên 20% hoạt động kém hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động.
Theo điều tra, chỉ có 9% HTX quan tâm đến tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, 90% HTX còn lại chỉ quan tâm đến việc cung cấp đầu vào như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi… mà không quan tâm đến việc xã viên cần nhất đó là tiêu thụ sản phẩm. Từ đó dẫn đến hiện nay các HTX hoạt động hiệu quả chỉ liên kết, hỗ trợ được 5% cho hộ nông dân cả nước, còn 95% số hộ thực chất sản xuất theo phương thức tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, không biết trước mình sẽ bán cho ai, bán bao nhiêu, giá bán thế nào!
Tại Yên Bái hiện có gần 2.600 tổ hợp tác thu hút 9.000 thành viên và hơn 20.000 lao động; 322 HTX với 38.584 thành viên với tổng số vốn điều lệ trên 262 tỷ đồng. Trong đó, có 60% HTX hoạt động hiệu quả, 23% HTX hoạt động cầm chừng và 17 không hoạt động. Theo đánh giá chung thì khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX đã tập trung đổi mới phương thức quản lý, tăng cường công tác thị trường, tìm kiếm đối tác, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế tập thể tại Yên Bái vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, tốc độ tăng trưởng các loại hình chưa đồng đều, chưa tạo sự liên kết bền vững; chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm; tỷ lệ hộ sản xuất tham gia và các hợp tác xã chưa nhiều. Đa phần các HTX còn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, khó tiếp cận được với các nguồn vốn do không có tài sản thế chấp. Hoạt động của các HTX còn thấp, nhất là HTX nông nghiệp có xu hướng giảm dần, nhiều nơi hoạt động chỉ còn mang tình hình thức, chưa chủ động, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chuyển động kịp theo cơ chế thị trường; việc chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX mới mới đạt 40%.
Yên Bái đang thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó vai trò của các HTX luôn được đề cao nhưng để các HTX thực sự đóng vai trò “đầu tàu” trong việc mua vật tư đầu vào, tìm kiếm thị trường đầu ra cho các xã viên thì cần có một “cú hích” từ phía Nhà nước. Việc thu hút trên 60.000 ngàn hộ tham gia vào các tổ hợp tác và các HTX là một cố gắng lớn của địa phương song chúng ta vẫn chưa có được một HTX nào lớn thu hút trên 100 hộ nông dân tham gia. Như vậy, vai trò của các HTX trong tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái vẫn chưa được đánh giá cao.
Cũng vấn đề này của cả nước, trao đổi tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: 10 triệu hộ nông dân đơn lẻ là 10 triệu hộ nông dân yếu thế trên thị trường đầu vào và thị trường đầu ra. Nếu bình quân cứ 100 – 300 hộ thành lập HTX thì từ 10 triệu hộ nông dân sẽ hình thành 33 nghìn đến 100 nghìn HTX là các pháp nhân có kinh tế, có sức mạnh để thực sự tạo ra các thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh…
Như vậy, chừng nào nền sản xuất nông nghiệp còn chủ yếu là các hộ riêng lẻ, không liên kết thì 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ nông dân yếu thế và các đòi hỏi hợp lý về sản xuất nông nghiệp và các chính sách tín dụng, đào tạo nông dân, liên kết các nhà khoa học sẽ rất khó được thực thi.
Vai trò của các HTX trong tái cơ cấu nền nông nghiệp là rất rõ ràng, để các hộ nông dân ở Yên Bái cũng như trên cả nước không còn rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá” lặp lại từ năm này qua năm khác; không còn tình trạng lúa bán rẻ vẫn chất đầy đồng, hành tím, dưa hấu… bán rẻ như cho mà vẫn chất đổ đống; không xây dựng được thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam… thì các ngành chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn cho HTX. Đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp qua đó sẽ hỗ trợ nông dân, xử lý những bất cập về mô hình sản xuất và mô hình quản lý, giảm thiểu những rủi ro trên thị trường. Đây là nền tảng quan trọng nhất, khâu đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.
Mạnh Cường