YBĐT – Vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số được Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp xác định là nội dung quan trọng, có ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi.
Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định và chỉ rõ vai trò cực kỳ quan trọng của những người uy tín trong dân tộc thiểu số đối với chất lượng, hiệu quả của các phong trào ở cơ sở. Lớp người này vừa đại diện cho tâm tư tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số lại vừa là cầu nối giữa Đảng – Nhà nước với nhân dân.
Từ vai trò đặc biệt ấy, công tác vận động tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng phải được định hướng đúng với quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng các cấp. Là tỉnh miền núi với 46% là đồng bào dân tộc, tỉnh Yên Bái hiện có 1.155 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những người có uy tín trong cộng đồng và có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Họ là những người gương mẫu trong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
Nhiều già làng, trưởng thôn bản, trưởng dòng tộc, nhiều cá nhân tiêu biểu bằng uy tín của mình đã vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng giải quyết những mâu thuẫn trong thôn bản; hướng dẫn đồng bào thiểu số tích cực tham gia phát triển, sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo; đặc biệt, vai trò, tầm ảnh hưởng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở địa phương đã có những đóng góp không nhỏ trong công tác phòng chống tai tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tham gia đấu tranh tố giác, trấn áp, giáo dục cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng, hòa giải mâu thuẫn, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng”, tham gia đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật…, góp phần làm lành mạnh đời sống xã hội ở cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Tiêu biểu như ông Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ là người nổi tiếng trong vùng với danh hiệu “Nhà Thái học” của đồng bào người Thái ở Yên Bái. Dù đã cận kề tuổi 80 nhưng với tâm huyết dành cho nền văn hoá dân tộc Thái, ông Biến đã vận động bà con mở 6 lớp học chữ Thái cổ cho 160 học viên; dịch nhiều sách, tài liệu từ tiếng Thái sang tiếng Việt; làm chủ biên và phối hợp với nhiều cơ quan trong việc biên soạn tài liệu giảng dạy cho các lớp cán bộ công tác tại vùng dân tộc Thái.
Bên cạnh đó, ông còn phổ biến và truyền dạy được 6 điệu xoè của người Thái cổ cho các thế hệ trẻ trong vùng để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc mình… Trên mỗi cương vị và lĩnh vực của đời sống xã hội, người có uy tín ở các địa phương trong tỉnh đã có những đóng góp không nhỏ cho công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cấp ủy, chính quyền địa phương nào cũng nhìn nhận và đánh giá hết tầm ảnh hưởng cũng như vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với công tác vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương mình. Vì thế công tác vận động và thực hiện chính sách đối với người có uy tín có nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa tạo được điều kiện để người có uy tín phát huy hết khả năng và đóng góp đối với cộng đồng.
Để công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả thiết thực, bên cạnh việc bố trí đúng người, đúng việc, phù hợp với khả năng của người có uy tín, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đổi mới hình thức vận động, phối hợp giữa những người có uy tín với cán bộ chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới trong các bản làng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín tham gia hoạt động, đóng góp vào các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần có chính sách rõ ràng và chế độ thỏa đáng để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm, tích cực tham gia cống hiến, góp sức xây dựng địa phương.
Trong đó, việc biểu dương, khen thưởng, tôn vinh công lao đóng góp của người có uy tín đối với cộng đồng, địa phương cần được coi trọng thông qua các buổi gặp mặt nhân các dịp lễ, tết, các hội nghị tuyên dương điển hình tiêu biểu. Có vậy mới mong khích lệ phát huy được sức cống hiến, nâng cao được vị thế, vai trò và tầm ảnh hưởng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với cộng đồng và toàn xã hội một cách rộng rãi.
Phạm Minh