YBĐT – Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 38 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Ngoài việc thực hiện chương trình giáo dục theo quy định, các trường PTDTBT đã thực hiện khá tốt hoạt động đặc thù. Chất lượng giáo dục của các trường PTDTBT được nâng lên (tỷ lệ học sinh (HS) khá, giỏi tăng từ 1% – 1,2%/năm; tỷ lệ HS chuyên cần đạt từ 90% – 95%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai mô hình trường PTDTBT, các địa phương đã gặp nhiều khó khăn về nhu cầu ăn, ở của HS, việc định mức giáo viên chưa phù hợp với tính chuyên biệt của loại hình trường này, một số mặt công tác khác… đang là rào cản trong quá trình phát triển căn bản toàn diện sự nghiệp giáo dục – đào tạo (GD- ĐT) ở vùng cao Yên Bái.
Trước hết là do việc ban hành các văn bản chỉ đạo còn chậm, chưa đồng bộ, thậm chí có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn như: quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, hướng dẫn việc hợp đồng, biên chế giáo viên, nhân viên cấp dưỡng… Nghị quyết của địa phương về xây dựng trường BT có một số nội dung chưa phù hợp, cụ thể như: quy hoạch trường BT; vận động cán bộ, viên chức ủng hộ ngày lương; căn cứ xác định HS không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày mới chỉ quy định tiêu chí số ki-lô-mét, thiếu tiêu chí địa bàn, dẫn đến không ít trường hợp HS có thể đi về trong ngày nhưng vẫn được xét duyệt HSBT.
Đáng lưu ý là công tác chăm lo đời sống vật chất cho HSBT còn nhiều khó khăn. Nếu tính theo định mức quy định thì số phòng ở và các công trình phụ trợ hiện có mới đảm bảo được nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt cho khoảng 50% HS có nhu cầu ở BT. Số HS ở trọ nhà dân nhiều nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động tập thể còn gặp khó khăn.
Một số trường bố trí HS ở quá chật ( trên 25 HS/phòng), quá tải 2-3 lần thiết kế. Thực tế, kinh phí tổ chức nấu ăn cho HS chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Sự đóng góp của gia đình HS đã được huy động nhưng mức đóng góp còn rất thấp nên bữa ăn của HSBT còn chưa bảo đảm dinh dưỡng.
Về nhân lực, tính theo định mức quy định khối trường PTDTBT thiếu nhiều biên chế (hơn 200). Để khắc phục, nhiều địa phương đã cho phép các đơn vị trường học hợp đồng giáo viên, nhưng do thiếu văn bản chỉ đạo nên mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau. Có địa phương ký hợp đồng theo năm học, nơi thì ký hợp đồng dưới 3 tháng. Việc chi trả tiền lương cũng vậy, có địa phương áp dụng theo Luật Lao động, chi trả bằng 1,0 mức lương tối thiểu, có địa phương chi trả bằng bậc 1 theo ngạch bậc đào tạo.
Các năm qua, còn nhiều trường có HSBT và một số trường có HS ở nội trú chưa được hỗ trợ kinh phí hợp đồng nhân viên cấp dưỡng nên việc tổ chức giáo dục và nuôi dưỡng HS gặp khó khăn. Thực trạng này cho thấy, Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng trường PTDTBT; sửa đổi, bổ sung cho nhóm đối tượng HS ở thôn đặc biệt khó khăn, học tại các trường phổ thông được hưởng chính sách hỗ trợ theo qui định đối với HSBT; nâng định mức giáo viên của các trường PTDTBT.
Với phạm vi thẩm quyền, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19 sửa đổi, bổ sung một số nội dung về xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010- 2015 một cách căn bản, phù hợp thực tế. Theo đó, tỉnh phấn đấu hết năm 2015, chuyển đổi 100% các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD – ĐT sang trường PTDTBT.
Đối với trường BT, được hợp đồng nhân viên cấp dưỡng nấu ăn cho HS với định mức qui định. HS là người dân tộc thiểu số, mồ côi không nơi nương tựa; tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo đang học và ở nội trú tại các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn, không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định 85 của Chính phủ thì được hỗ trợ tiền ăn, mỗi tháng bằng 20% mức lương cơ sở chung hiện hành, không quá 9 tháng học. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm đảm bảo điều kiện cho việc giáo dục và nuôi dưỡng HSBT.
Đa Sĩ