YBĐT – Những tháng đầu năm 2013, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn do đầu ra chưa ổn định, giá thức ăn tăng cao, gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp nên không ít hộ chăn nuôi bị thua lỗ.
Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi đã bắt đầu tăng trở lại do các thương lái thu mua lợn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nên nhu cầu tiêu dùng tăng.
Theo dự báo, giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng nhẹ trong những tháng cuối năm, người chăn nuôi tận dụng lợi thế được mùa ngô, lúa làm thức ăn chăn nuôi – đây là điều kiện có thể khôi phục, đầu tư trở lại để phát triển chăn nuôi.
Chỉ còn vài tháng nữa là đến tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đây là thời điểm người chăn nuôi đang ráo riết chuẩn bị con giống, thức ăn chăn nuôi phát triển đàn gia súc, gia cầm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo các hộ chăn nuôi, khó khăn lớn hiện nay không phải là con giống, thức ăn mà chính là vốn để tái sản xuất và mối lo dịch bệnh bùng phát.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, song thời tiết giao mùa hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Đặc biệt, cuối năm cũng là lúc tình trạng vận chuyển mua bán và tiêu thụ gia cầm tăng cao, gia súc, gia cầm nhập lậu có cơ hội hoành hành sẽ là nguyên nhân dễ làm bùng phát dịch.
Để chăn nuôi phát triển đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thực phẩm dịp cuối năm, các địa phương cần chủ động con giống tốt phục vụ nhu cầu chăn nuôi tại chỗ; kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi.
Các địa phương và ngành chức năng tổ chức thông tin tuyên truyền liên tục về chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong mua bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm; kịp thời phát hiện, khoanh vùng khống chế dịch bệnh; quản lý chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ốm chết không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch lưu thông ra vào địa bàn.
Người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc; rà soát tiêm phòng bổ sung những gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng các bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, để chăn nuôi phát triển ổn định cần làm tốt công tác dự báo thị trường, giúp người chăn nuôi chủ động trong việc tăng, giảm số đàn nuôi đảm bảo chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Lâu dài, cần hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm, ban hành chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hỗ trợ liên kết chăn nuôi – chế biến – tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Văn Thông