YênBái – YBĐT – Từ phong trào “ đường ta làm ta đi”, với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thông qua nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như: ngân sách, 135, WB, ADB… thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hệ thống giao thông nông thôn – miền núi (GTNT – MN).
Đến nay, toàn tỉnh đã có 5506 km đường GTNT, mật độ bình quân: 1,25 km đường/km2; trong đó, đường huyện là 735,9 km, đường xã 2296,8 km, đường thôn bản 2473,5 km. Cả 180/180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đường ô tô đã đến trung tâm. Một số xã đã kiên cố hoá mặt đường và công trình thoát nước, bảo đảm giao thông trong bốn mùa. Từ khi có đường giao thông, nhiều xã của Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của đồng bào vùng cao ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải cũng đã bớt khó khăn khi có đường giao thông đi lại.
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh quốc phòng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã chỉ rõ: “ Phấn đấu đến 2010, 70% mặt đường nông thôn được cứng hoá”. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội, từ năm 2006, Sở Giao thông vận tải Yên Bái đã tổ chức xây dựng Đề án phát triển GTNT – MN trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 – 2010.
Cùng với Đề án của ngành GTVT, thời gian qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn từ bên ngoài, tạo cơ chế, chính sách để phát triển mạng lưới GTNT – MN. Đặc biệt mới đây nhất, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng để mở mới đối với 1 km đường đến thôn, bản vùng cao. Mặc dù đã có cơ chế và nguồn hỗ trợ, nhưng trên thực tế việc phát triển mạng lưới GTNT – MN còn rất chậm. Sau hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội, hệ thống đường GTNT – MN đến trung tâm các xã, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng sâu trong tỉnh mới chủ yếu được khai thông nền đường, thiếu các công trình thoát nước, thiếu công trình vượt suối. Theo khảo sát, đến nay mới chỉ có 15% mặt đường được bê tông hoá.
Các tuyến đường nối các thôn, bản, khu dân cư đến trung tâm xã còn rất thiếu. Từ thực tế đặt ra, để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển nhanh GTNT – MN là rất cần thiết! Do vậy, cùng với sự cố gắng từ tỉnh, ở mỗi địa phương, việc các cấp uỷ Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị, xã hội tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển GTNT – MN là yếu tố quyết định sự thành công. Tại mỗi địa phương, vì thế, công tác huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển GTNT – MN phải được thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Hàng năm, các Đảng bộ và HĐND các cấp phải có nghị quyết chuyên đề về phát triển GTNT – MN.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp chính quyền phải xây dựng các cơ chế, chính sách và hình thức huy động linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các tổ chức chính trị như: mặt trận, phụ nữ, Đoàn thanh niên… phải là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được tầm quan trọng của công tác đầu tư phát triển hạ tầng GTNT – MN để người dân tự nguyện tham gia.
Có xây dựng được mạng lưới GTNT – MN hoàn chỉnh, chúng ta mới thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mà để phát triển được GTNT – MN thì sự chuyển động phải từ cơ sở!
Nguyễn Đình